top of page

Thuyết Học tập Xã hội (Social Cognitive Theory) trong Đào tạo Doanh nghiệp

Thuyết Học tập Xã hội (Social Learning Theory) của Albert Bandura là nền tảng quan trọng trong đào tạo doanh nghiệp, giúp nhân viên học hỏi thông qua quan sát, tương tác và củng cố hành vi. Áp dụng thuyết này, doanh nghiệp có thể nâng cao kỹ năng, xây dựng văn hóa làm việc tích cực và tăng hiệu quả đào tạo.


Thuyết Học tập Xã hội (Social Cognitive Theory) của Bandura

Tổng quan về thuyết học tập xã hội (Social Cognitive Theory)

Thuyết Học tập Xã hội, hay Social Cognitive Theory, do Albert Bandura phát triển năm 1986, giải thích hành vi con người thông qua sự tương tác ba chiều giữa yếu tố cá nhân (nhận thức, cảm xúc), môi trường (xã hội, văn hóa) và hành vi (hành động cụ thể). Mô hình này được ứng dụng rộng rãi trong đào tạo doanh nghiệp để xây dựng kỹ năng và văn hóa tổ chức (Lin & Chang, 2018).

Thuyết Học tập Xã hội (Social Cognitive Theory)
Thuyết Học tập Xã hội (Social Cognitive Theory)

Các khái niệm chính của Thuyết Học tập Xã hội

Học tập qua quan sát (Observational Learning)

Học tập qua quan sát là nền tảng của Thuyết Học tập Xã hội. Khái niệm này bắt nguồn từ một loạt thực nghiệm của Bandura tên là Bobo Dolls:

  • Trẻ em được xem video người lớn đánh đập, chửi bới một con búp bê bằng hơi

  • Sau đó, trong video người lớn nhận được 1 trong 3 kết quả:

    • Bị trừng phạt vì bạo lực với búp bê

    • Được khen thưởng vì bạo lực với búp bê

    • Không bị trừng phạt hay khen thưởng gì sau khi bạo lực với búp bê

Sau khi xem video, những đứa trẻ được đưa đến 1 căn phòng khác với con búp bê tương tự.


Kết quả: Những đứa trẻ đã xem video người lớn đánh búp bê và được khen, hoặc không bị phạt có xu hướng đánh đập chửi bới và bạo lực với búp bê hơn những đứa trẻ khác. Vậy, Bandura kết luận rằng hành vi có thể được hình thành thông qua quan sát và bắt chước hành vi của người khác.


Trong doanh nghiệp, nhân viên học hỏi từ đồng nghiệp hoặc lãnh đạo. Ví dụ, khi thấy đồng nghiệp được khen vì sáng tạo, nhân viên có xu hướng đề xuất ý tưởng mới.

Sự tương tác qua lại (Reciprocal Determinism)

3 yếu tố chính cấu thành hành vi (Cá nhân - Môi trường - Hành vi) không hoạt động độc lập mà liên tục tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ:

  • Lãnh đạo A tin rằng họ có năng lực lắng nghe thấu cảm (yếu tố cá nhân), do đó họ bỏ công sức ra lắng nghe thấu cảm nhân viên trong đội nhóm (yếu tố hành vi).

  • Điều này tạo ra môi trường an toàn về tâm lý (yếu tố môi trường).

  • Sau đó, môi trường an toàn về tâm lý (yếu tố môi trường) lại củng cố thêm cho hành vi lắng nghe thấu cảm của lãnh đạo (yếu tố hành vi), và giúp họ càng thêm tự tin hơn vào năng lực này (yếu tố cá nhân).

Sự tương tác qua lại (Reciprocal Determinism)
Sự tương tác qua lại (Reciprocal Determinism)

Khả năng thực hiện hành vi (Behavioural Capability)

Học thuyết này cho rằng, để thực hiện được 1 hành vi nào đó, cá nhân phải:

  • Biết mình cần làm gì (What to do)

  • Biết cách để thực hiện hành vi đó (How to do it)

Việc thỏa mãn 2 điều kiện trên giúp gia tăng khả năng một cá nhân có thể thực hiện hành vi mong muốn (Behavioural Capability).


Trong đào tạo doanh nghiệp, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cụ thể giúp nhân viên tự tin áp dụng hành vi mong muốn. Ví dụ, đào tạo kỹ năng giao tiếp giúp nhân viên xử lý tình huống hiệu quả hơn.

Củng cố (Reinforcement)

Học thuyết này cũng cho rằng, mỗi cá nhân học từ hậu quả hành vi của chính mình. Kết quả của một hành vi quyết định việc một người sẽ tiếp tục hành vi đó hay không. Ví dụ: 

  • Nhân viên mỗi lần hoàn thành công việc đúng hạn được sếp khen thưởng (củng cố tích cực) -> tiếp tục hành vi này 

  • Nhân viên đi làm muộn bị khiển trách (trừng phạt) -> không tiếp tục hành vi này. 


Bên cạnh đó, việc quan sát đồng nghiệp và những người xung quanh nhận được kết quả gì với những hành vi của họ cũng khiến một cá nhân lựa chọn có thực hiện hành vi đó hay không.

Sự mong đợi (Expectation)

Nhân viên dự đoán kết quả hành vi dựa trên kinh nghiệm hoặc quan sát. Nếu họ mong đợi bị chỉ trích khi trình bày ý tưởng, họ sẽ im lặng. Doanh nghiệp cần tạo môi trường khuyến khích sáng tạo để thay đổi kỳ vọng tiêu cực.

Niềm tin vào khả năng bản thân (Self-efficacy)

Hành vi của một người bị ảnh hưởng bởi niềm tin của họ về khả năng của bản thân (Self-efficacy). Niềm tin này được xây dựng thông qua việc thực hiện thành công các hành vi trước đó. Ví dụ, một nhân viên sẽ tin vào năng lực lãnh đạo của bản thân nếu họ được lãnh đạo một vài dự án trước đó và họ đã làm tốt vai trò dẫn dắt của mình. Đào tạo doanh nghiệp nên tập trung xây dựng niềm tin này thông qua trải nghiệm thực tế.

Niềm tin vào khả năng bản thân (Self-efficacy)
Niềm tin vào khả năng bản thân (Self-efficacy)

Ứng dụng Thuyết Học tập Xã hội trong Đào tạo Doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa học tập qua quan sát

  • Doanh nghiệp có thể tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm từ lãnh đạo hoặc đồng nghiệp xuất sắc. Ví dụ, một nhân viên bán hàng học kỹ năng đàm phán bằng cách quan sát đồng nghiệp giỏi trong các tình huống thực tế hoặc qua video đào tạo.

  • Các buổi shadowing (theo dõi công việc) cũng giúp nhân viên mới học hỏi từ nhân viên kỳ cựu.

Tạo môi trường hỗ trợ học tập

  • Môi trường làm việc an toàn về tâm lý khuyến khích nhân viên thử nghiệm hành vi mới. Lãnh đạo có thể tổ chức các buổi họp cởi mở, nơi nhân viên thoải mái chia sẻ ý tưởng mà không sợ bị phán xét.

  • Khen thưởng kịp thời khi nhân viên đạt kết quả tốt giúp củng cố hành vi tích cực, như sáng tạo hoặc hợp tác.

Phát triển niềm tin vào năng lực cá nhân

Các chương trình đào tạo thực hành, như nhập vai hoặc mô phỏng tình huống, giúp nhân viên xây dựng niềm tin vào khả năng của mình. Ví dụ, một khóa đào tạo kỹ năng thuyết trình có thể bao gồm các bài tập thực hành trước nhóm, kết hợp với phản hồi mang tính xây dựng từ huấn luyện viên, giúp nhân viên tự tin hơn.

Tăng cường củng cố và kỳ vọng tích cực

  • Doanh nghiệp nên sử dụng cơ chế khen thưởng để khuyến khích hành vi mong muốn. Ví dụ, thưởng cho nhân viên hoàn thành dự án đúng hạn hoặc sáng tạo ra quy trình mới.

  • Đồng thời, tổ chức cần xây dựng văn hóa minh bạch, nơi nhân viên thấy rõ kết quả của hành vi từ đồng nghiệp, từ đó định hình kỳ vọng tích cực.

Ứng dụng công nghệ trong đào tạo

Sử dụng công nghệ như e-learning hoặc video hướng dẫn cho phép nhân viên quan sát và học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, một video mô phỏng tình huống xử lý khách hàng khó tính có thể giúp nhân viên học cách giao tiếp hiệu quả, tăng cường khả năng thực hiện hành vi và niềm tin vào năng lực bản thân.

Ứng dụng công nghệ trong đào tạo
Ứng dụng công nghệ trong đào tạo

Kết luận

Thuyết Học tập Xã hội của Bandura là công cụ mạnh mẽ trong đào tạo doanh nghiệp, giúp nhân viên học hỏi qua quan sát, củng cố hành vi và xây dựng niềm tin vào năng lực bản thân. Bằng cách áp dụng các khái niệm như học tập qua quan sát, tương tác qua lại và self-efficacy, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả đào tạo và xây dựng văn hóa làm việc tích cực.


Nguồn tham khảo

Comments


bottom of page