Burnout là gì? Burnout (kiệt sức nghề nghiệp) là tình trạng thường gặp trong bối cảnh doanh nghiệp ngày nay với áp lực công việc và yêu cầu hiệu suất cao. Tình trạng kiệt sức không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân mà còn đến toàn bộ tổ chức.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp lớn, việc nhận diện, và giảm thiểu tình trạng burnout của nhân viên giúp xây dựng đội ngũ gắn kết và thúc đẩy sự phát triển cá nhân. Sau đây là những chiến lược hiệu quả giúp nhận diện, ngăn ngừa, và khắc phục burnout.
Hiểu Burnout Là Gì
Burnout và stress thường bị nhầm lẫn với nhau, nhưng hai trạng thái này có những điểm khác biệt quan trọng. Stress là phản ứng tức thời khi gặp áp lực và sẽ biến mất khi tác nhân gây stress được loại bỏ. Mặt khác, burnout là trạng thái mệt mỏi kéo dài do áp lực công việc với tần suất cao mà không được giải tỏa (Leiter & Maslach, 2016).
Nghiên cứu chỉ ra rằng kiệt sức nghề nghiệp bao gồm trạng thái kiệt quệ về mặt cảm xúc, cảm giác thờ ơ hoặc tiêu cực đối với công việc, và tình trạng căng thẳng kéo dài (Rhéaume, 2021; WHO, 2019). Tình trạng kiệt sức kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nhân viên, bao gồm tâm lý, cảm xúc và hành vi, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tổ chức (Edú-Valsania và cộng sự, 2022).
Ngoài ra, những yếu tố liên quan đến môi trường làm việc là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến burnout. Do đó, để khắc phục được tình trạng kiệt sức thường đòi hỏi sự thay đổi trong tập thể, tổ chức.
Nhận Diện Burnout Là Gì
Trạng thái kiệt sức nghề nghiệp do căng thẳng kéo dài khiến nhân viên kiệt quệ về mặt cảm xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau đây là 7 dấu hiệu chính để nhận biết burnout:
Cảm thấy mệt mỏi liên tục: Kiệt sức ngay cả sau khi nghỉ ngơi.
Giảm năng suất: Gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc.
Cảm thấy thờ ơ và tiêu cực: Mất hứng thú và cảm thấy tiêu cực với công việc.
Gặp rối loạn về giấc ngủ: Khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ.
Tự cô lập: Tránh né giao tiếp với đồng nghiệp và người thân.
Suy giảm sức khỏe: Đau đầu, đau lưng, hoặc chán ăn.
Tự nghi ngờ bản thân: Mất tự tin và tự nghi ngờ năng lực của bản thân.
Ngăn Ngừa Burnout
Tình trạng kiệt sức nghề nghiệp có thể gây ra những trở ngại lớn đối với sự nghiệp cá nhân. Tuy nhiên, bạn có thể chủ động ứng phó và ngăn ngừa burnout qua các bước sau:
Nhận biết và phản ứng: Nhận biết sớm các dấu hiệu của stress và quản lý căng thẳng bằng các hoạt động như đi bộ và viết nhật ký. Điều này giúp ngăn chặn stress cấp tính chuyển biến thành burnout.
Đặt giới hạn: Xác định rõ giới hạn giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi. Điều này giúp tránh việc bị quá tải, và từ đó giảm nguy cơ burnout.
Cân bằng công việc - cuộc sống: Duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Điều này không chỉ giúp nuôi dưỡng một tinh thần khỏe mạnh, mà còn là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa burnout.
Chăm sóc bản thân: Ưu tiên các cách chăm sóc bản thân như ăn uống cân đối, tập thể dục, ngủ đủ giấc, thiền. Những biện pháp tự chăm sóc sức khỏe hiệu quả có thể giúp giảm nguy cơ burnout.
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ: Nuôi dưỡng một mạng lưới hỗ trợ bao gồm bạn bè, gia đình, và đồng nghiệp. Mạng lưới này giúp chia sẻ, giảm bớt gánh nặng và cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc khi bạn gặp căng thẳng, từ đó giảm nguy cơ burnout.
Ứng Phó Với Burnout Trong Tổ Chức
Burnout không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân mà còn giảm hiệu suất làm việc của cả tổ chức. Sau đây là một số chiến lược hiệu quả giúp bạn đối phó và ngăn ngừa tình trạng kiệt sức trong môi trường công sở:
Trao đổi và hỗ trợ: Dành thời gian trò chuyện với đồng nghiệp và quản lý. Hãy lắng nghe đồng nghiệp một cách thấu cảm và không phán xét. Cung cấp nguồn lực hỗ trợ khi cần.
Nghỉ ngơi và hồi phục: Đừng ngần ngại nghỉ phép hoặc tạm giảm khối lượng công việc khi cảm thấy kiệt sức. Hãy dành thời gian cho bản thân để lấy lại năng lượng.
Tích hợp linh hoạt và cân bằng: Xem xét các lựa chọn làm việc từ xa để tạo sự linh hoạt trong việc quản lý thời gian, giúp giảm tình trạng kiệt sức.
Kết nối với mục đích công việc: Hãy thảo luận về các dự án phù hợp với thế mạnh và sở thích của bạn. Đặt ra mục tiêu rõ ràng để xây dựng lại niềm tin và sự gắn kết với đội ngũ.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ tổ chức: Tham gia vào mạng lưới hỗ trợ nhân viên với đồng nghiệp, các nhóm nguồn lực nhân viên hoặc chương trình chăm sóc nhân viên. Đánh giá các nguyên nhân gây kiệt sức tại nơi làm việc và thực hiện cải tiến.
Hãy nhớ rằng kiệt sức không phải là vấn đề cá nhân. Các nhà lãnh đạo cần thừa nhận rằng burnout là hệ quả của căng thẳng mãn tính kéo dài và không được quản lý hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp cần có các chiến lược để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho toàn bộ nhân viên (Salvagioni và cộng sự, 2017). Cuối cùng, việc hỗ trợ nhân viên vượt qua tình trạng kiệt sức sẽ mang lại lợi ích cho cá nhân, nhóm và hiệu suất của cả tổ chức.
Kết Luận
Burnout là một vấn đề nghiêm trọng trong môi trường doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng kiệt sức này có thể được ngăn ngừa nếu được nhận diện sớm và áp dụng các biện pháp phù hợp. Để ứng phó với burnout, các nhà lãnh đạo nên xây dựng đội ngũ gắn kết, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp tích cực, hỗ trợ nhân viên và khuyến khích cân bằng công việc và cuộc sống.
Ngăn ngừa tình trạng burnout và nâng cao sức khỏe tinh thần cho doanh nghiệp không chỉ giúp giảm tỷ lệ nghỉ việc mà còn tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển và đạt được tiềm năng của mình.
Comments