Trong thời đại mới, con người có xu hướng quan tâm đến chăm sóc bản thân nhiều hơn so với trước đây, điều này được thể hiện rõ khi xã hội có sự biến chuyển và thay đổi góc nhìn về sức khỏe tinh thần.
Định nghĩa của sức khỏe tinh thần bao gồm luôn cả những cảm xúc, suy nghĩ và xây dựng, kết nối với các mối quan hệ có ý nghĩa. Việc tự chăm sóc sức khỏe tinh thần là rất quan trọng vì điều này ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ, cảm thấy thế nào về mọi thứ, tương tác với thế giới, đưa ra quyết định,... Tự chăm sóc sức khỏe tinh thần là yếu tố cốt lõi của sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Việc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì trạng thái tâm trí lành mạnh, cũng như hỗ trợ bản thân khi đối mặt với các vấn đề tâm lý.
Bài viết này sẽ khám phá những lợi ích của việc tự chăm sóc bản thân, đồng thời bàn luận cụ thể về các phương pháp thực tế và ảnh hưởng tích cực mà chúng mang lại cho sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên giúp tự chăm sóc sức khỏe tinh thần
Tập thể dục giúp vừa có một cơ thể khỏe mạnh và cũng là một cách để giảm stress rất hiệu quả. Bất cứ hình thức vận động nào như đi bộ hay bơi lội cũng sẽ đóng vai trò như là một liều thuốc giảm stress tự nhiên.
Thêm vào đó, tập thể dục giúp chúng ta giảm các hormone căng thẳng như adrenaline hay cortisol, đồng thời tăng cường sự sản sinh của endorphin - một chất có vai trò giảm đau và làm cho tâm trạng của chúng ta thoải mái hơn.
Thường xuyên đi tham vấn tâm lý
Tham vấn tâm lý dành cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Chúng ta không nhất thiết phải gặp bác sĩ tâm lý chỉ khi có vấn đề mà có thể đi bất kỳ lúc nào để đảm bảo chúng ta đang có một lối sống lành mạnh và tích cực. Mục đích của tham vấn là để có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe tinh thần hiện tại cũng như chẩn đoán hay phòng ngừa cho tương lai.
Tham vấn không chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng mà còn cung cấp các phương pháp để đối phó và tự đánh giá, giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các vấn đề tâm lý. Nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý được xử lý tốt hơn thông qua tham vấn. Hơn nữa, hiệu quả của tham vấn kéo dài lâu hơn và lành mạnh hơn so với việc sử dụng thuốc tùy theo từng chứng rối loạn mà phương pháp điều trị có thể khác nhau.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng là một hình thức tự chăm sóc bản thân. Mọi người, bất kể lứa tuổi nào, nên chú ý đến các dấu hiệu của cơ thể và tinh thần để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hiện tại.
Giấc ngủ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, góp phần giúp chúng ta vừa có một ngày năng suất, cho tinh thần thoải mái, tâm trạng tích cực, quản lý cảm xúc của mình tốt hơn và giảm stress. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc ngủ không đủ hoặc ngủ nông có thể dẫn đến việc tăng nguy cơ các triệu chứng rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu,...
Nên thực hiện một chế độ ăn uống điều độ, lành mạnh, đa dạng các loại dinh dưỡng. Việc này sẽ giúp chúng ta có giấc ngủ ngon hơn và đây cũng là một phần rất quan trọng trong quá trình tự chăm sóc sức khỏe tinh thần. Cần hạn chế sử dụng quá mức các loại chất gây nghiện như thuốc lá, chất có cồn vì chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể và chất lượng cuộc sống.
Đặt ra mục tiêu rõ ràng, viết journal
Viết journal hay ghi chép lại những sự việc xảy ra trong ngày, lên kế hoạch,... được xem là một trong những hình thức xả stress giúp đem lại nhiều lợi ích cho tâm trí.
Khi trong suy nghĩ của chúng ta bị quá tải, chúng ta có nguy cơ bị căng thẳng nhiều hơn. Điều đó ảnh hưởng đến nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống như cách ta ứng xử, cách nhìn nhận mọi chuyện và các mối tương quan.
Những điều chúng ta có thể làm và chú ý khi thực hiện phương pháp viết journal là viết ra giấy:
Bản thân căng thẳng vì điều gì?
Mình cảm thấy biết ơn điều gì?
Hay bất cứ điều gì trong suy nghĩ chúng ta
Đây được xem là một cách hiệu quả để tự chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách giải tỏa bớt những suy nghĩ trong đầu, giúp chúng ta khám phá và hiểu rõ hơn về suy nghĩ của mình khi được viết ra trên giấy.
Một ví dụ về journaling là khi chúng ta viết về các mục tiêu và dự định trong tương lai. Việc này giúp chúng ta hình dung rõ ràng về những điều mình muốn đạt được và các phương án để thực hiện chúng. Mỗi ngày thức dậy, bạn sẽ có một mục tiêu cụ thể và vạch ra các công việc cần làm để đạt được mục tiêu đó. Đến cuối ngày, khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy rõ công sức của mình đã giúp tiến gần hơn đến mục tiêu như thế nào. Điều này rất có ích vì nó tạo động lực để chúng ta tiếp tục tiến về phía trước.
Duy trì các mối quan hệ lành mạnh giúp tự chăm sóc sức khỏe tinh thần
Có những mối quan hệ và kết nối lành mạnh với người khác cũng là một cách để tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, vì điều đó giúp chúng ta hạnh phúc hơn và thỏa mãn với cuộc sống. Các mối quan hệ lành mạnh có thể:
Giúp chúng ta cảm thấy giá trị của bản thân và cảm thấy được thuộc về.
Tăng thêm tự tin vào bản thân.
Giúp chúng ta có thêm can đảm để học hỏi những điều mới và hiểu thêm về bản thân.
Những điều nên làm để có mối quan hệ lành mạnh và sức khỏe tinh thần tốt hơn là giao tiếp, khi giao tiếp chúng ta nên:
Dành thời gian để nói chuyện và giải quyết vấn đề cùng nhau.
Đồng cảm, đặt mình vào tình huống người khác.
Không bắt người kia đoán ý của mình, hãy nói ra những điều mình suy nghĩ.
Lắng nghe người khác và để cho họ biết họ đang được lắng nghe.
Để người khác nói hết ý họ muốn bày tỏ.
Giao tiếp một cách chân thật và tôn trọng.
Cố gắng không phòng vệ quá mức.
Giữ bình tĩnh và không công kích.
Kết luận việc tự chăm sóc sức khỏe tinh thần
Tự chăm sóc sức khỏe tinh thần không hoàn toàn chữa các rối loạn tâm lý nhưng những nỗ lực giúp bản thân cũng sẽ góp phần hỗ trợ chúng ta quản lý cuộc sống tốt hơn. Từ đó, chúng ta có thể hướng tới các mục tiêu cao hơn, đạt được cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.
Nguồn tham khảo:
Caring for your mental health. (n.d.). National Institute of Mental Health (NIMH). https://www.nimh.nih.gov/health/topics/caring-for-your-mental-health
Harvard Health. (2020, July 7). Exercising to relax. https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/exercising-to-relax#:~:text=Exercise%20reduces%20levels%20of%20the,natural%20painkillers%20and%20mood%20elevators.
Healthdirect Australia. (n.d.). Building and maintaining healthy relationships. Healthdirect. https://www.healthdirect.gov.au/building-and-maintaining-healthy-relationships#:~:text=People%20who%20have%20healthy%20relationships,help%20you%20feel%20less%20alone
How sleep deprivation impacts mental health. (2022, March 16). Columbia University Department of Psychiatry. https://www.columbiapsychiatry.org/news/how-sleep-deprivation-affects-your-mental-health
The past, present and future of innovation in mental health - NHS Digital. (n.d.). NHS Digital. https://digital.nhs.uk/blog/transformation-blog/2018/the-past-present-and-future-of-innovation-in-mental-health#:~:text=One%20major%20change%20has%20been,health%20professionals%20and%20seek%20treatment.
Gengozian, M. (2023, October 18). 6 Ways to manage stress during Turbulent times. The Story Exchange. https://thestoryexchange.org/6-ways-to-manage-stress-for-mental-health-awareness-month/?gclid=CjwKCAjw7c2pBhAZEiwA88pOF-KN52KywZXCp8lwUNidiHZ8hk2dXRrCn8dwmWjj2sWRtXq3sz9rzRoCXvIQAvD_BwE&gclid=CjwKCAjws9ipBhB1EiwAccEi1GNLJH-8RYpxWxKlurs8P5HJXteTnyGamWSqJeH9lVwiPgndbqbFIhoCOx0QAvD_BwE
Comments