Kỹ năng thấu cảm là chìa khóa để cải thiện giao tiếp và xây dựng những mối quan hệ bền chặt. Khả năng thấu cảm giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của người đối diện, gây ấn tượng tốt với đối phương, và củng cố niềm tin trong các mối quan hệ. Trong doanh nghiệp, khả năng thấu cảm giúp nhà lãnh đạo xây dựng đội ngũ gắn kết, giải quyết xung đột giữa nhân viên, và hỗ trợ nhân viên hiệu quả.
Bài viết này sẽ giải thích về tâm lý thấu cảm, phân tích tầm quan trọng của thấu cảm trong giao tiếp, đồng thời chia sẻ những kỹ năng thiết thực giúp bạn nâng cao khả năng thấu cảm.
Thấu Cảm Là Gì?
Thấu cảm gì? Thấu cảm là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được cảm xúc, suy nghĩ, và quan điểm của họ. Kỹ năng thấu cảm bao gồm khả năng đồng cảm với cảm xúc của người khác, và khả năng thấu hiểu được hoàn cảnh, nguyên do của những cảm xúc ấy (Wang & Todd, 2021).
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Khả năng giao tiếp thấu cảm giúp bạn tạo ra một không gian an toàn về tâm lý để người đối diện có thể thoải mái giải phóng cảm xúc. Qua đó, bạn có thể hiểu được cảm xúc của họ và củng cố mối quan hệ song phương.
Kỹ Năng Thấu Cảm Đem Lại Lợi Ích Gì Trong Giao Tiếp?
Kỹ năng giao tiếp thấu cảm giúp nhân viên xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết với đội ngũ, và phát triển sự nghiệp. Đối với nhà lãnh đạo, khả năng thấu cảm giúp bạn giải quyết xung đột, giảm stress cho nhân viên, và xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh. Sau đây là những lợi ích của việc giao tiếp thấu cảm:
Xây dựng cảm tình: Khả năng thấu cảm giúp bạn tạo ấn tượng tốt đẹp với những người xung quanh. Những người có khả năng thấu cảm thường được đánh giá cao về tính cách và được yêu mến bởi nhiều người.
Truyền tải thông điệp hiệu quả: Khi giao tiếp thấu cảm, bạn sẽ dễ dàng kết nối với đối phương, thu hút sự chú ý của họ, và từ đó truyền tải thông điệp một cách hiệu quả (Moudatsou et al, 2020).
Giải quyết xung đột: Khả năng thấu cảm giúp bạn hình dung vấn đề từ góc nhìn và cảm xúc của đối phương. Điều này giúp bạn quản lý cơn tức giận, tránh được những hiểu lầm không đáng có, và tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho đôi bên (Klimecki, 2019).
Củng cố sự tin tưởng với đồng nghiệp: Khả năng thấu cảm giúp bạn lắng nghe và thấu hiểu cho những khó khăn của đồng nghiệp. Từ đó, bạn có thể củng cố sự tín nhiệm với đối phương, và dễ dàng hợp tác với họ trong công việc.
Xây dựng đội ngũ gắn kết: Đối với nhà quản lý, khả năng thấu cảm giúp bạn lắng nghe nhân viên, gắn kết đội ngũ, giải quyết các vấn đề xung đột, và tăng cường động lực cho đội nhóm (Hougaard, 2021).
Làm Cách Nào Để Nâng Cao Khả Năng Thấu Cảm?
Thấu cảm là một kỹ năng giao tiếp mà bạn có thể luyện tập và cải thiện. Sau đây là những phương pháp giúp bạn phát triển khả năng thấu cảm:
Lắng nghe tích cực: Bạn hãy thể hiện sự thấu cảm qua việc tập trung lắng nghe và chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu của đối phương. Bạn cũng có thể hỏi những câu hỏi mở để hiểu sâu hơn về góc nhìn và cảm xúc của họ (O’Brien, 2019).
Đặt mình vào vị trí của người khác: Khả năng thấu cảm đòi hỏi bạn phải đặt mình vào vị trí của đối phương. Hãy thử tưởng tượng bạn là người đối diện, và tự đặt ra những câu hỏi như “Nếu là tôi, tôi sẽ làm gì?” hoặc “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ cảm thấy thế nào?”.
Hiểu biết về văn hóa và bối cảnh: Kỹ năng giao tiếp thấu cảm đòi hỏi bạn phải hiểu biết về bối cảnh và văn hóa của đối phương, bởi mỗi nền văn hóa có những cách thể hiện cảm xúc khác nhau. Khi giao tiếp thấu cảm với một người khác văn hóa với bạn, việc tìm hiểu về văn hóa của họ có thể giúp bạn tránh các hiểu lầm không đáng có (Butovskaya et al, 2021).
Tăng cường trải nghiệm trong cuộc sống: Việc có những trải nghiệm đa dạng trong cuộc sống sẽ giúp bạn có nhiều góc nhìn phong phú. Từ đó, bạn sẽ dễ trở nên thấu cảm với những trải nghiệm của người khác.
Thực hành thường xuyên: Bạn có thể cải thiện kỹ năng thấu cảm thông qua việc luyện tập thường xuyên. Bạn hãy quan sát những người xung quanh, lắng nghe những câu chuyện của họ, và cố gắng thấu hiểu cảm xúc của nhân vật trong câu chuyện.
Kết Luận
Thấu cảm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp. Trong môi trường công sở, khả năng thấu cảm giúp bạn tạo ấn tượng tốt, củng cố niềm tin với đồng nghiệp, và thúc đẩy sự hợp tác trong công việc. Đối với nhà lãnh đạo, khả năng thấu cảm giúp bạn lắng nghe ý kiến của nhân viên, thấu hiểu khó khăn của họ đồng thời đưa ra những quyết định phù hợp để chăm sóc đội ngũ và hỗ trợ nhân viên hiệu quả.
Khả năng thấu cảm là một kỹ năng mềm thiết yếu trong cuộc sống hiện đại mà bạn có thể luyện tập và phát triển. Bằng việc đặt mình vào vị trí của người khác, tìm hiểu về bối cảnh giao tiếp, và lắng nghe tích cực, bạn sẽ trở nên thấu cảm hơn.
Nguồn tham khảo
Wang, Y. A., & Todd, A. R. (2021). Evaluations of empathizers depend on the target of empathy. Journal of Personality and Social Psychology, 121(5), 1005–1028. https://doi.org/10.1037/pspi0000341
Chamberlin, J. (2001). Emotional intelligence for a better community. https://www.apa.org. https://www.apa.org/monitor/dec01/emotional
Faster Capital (n.d). The Role Of Empathy In Building Strong Relationships. https://fastercapital.com/topics/the-role-of-empathy-in-building-strong-relationships.html
Moudatsou M, Stavropoulou A, Philalithis A, Koukouli S. The Role of Empathy in Health and Social Care Professionals. Healthcare (Basel). 2020 Jan 30; 8(1):26. http://doi: 10.3390/healthcare8010026. PMID: 32019104; PMCID: PMC7151200.
Klimecki, O. M. (2019). The role of empathy and compassion in conflict resolution. Emotion Review, 11(4), 310–325. https://doi.org/10.1177/1754073919838609
Hougaard, R. (2021, December 23). Effective leaders move beyond empathy to compassion. Harvard Business Review. https://hbr.org/2021/12/connect-with-empathy-but-lead-with-compassion
O’Brien, K. (2019). ResearchGate. Journal of the Medical Library Association: JMLA, 107(2), 284.
Butovskaya, M. L., Burkova, V. N., Randall, A. K., Donato, S., Fedenok, J. N., Hocker, L., Kline, K. M., Ahmadi, K., Alghraibeh, A. M., Allami, F. B. M., Alpaslan, F. S., Al-Zu’bi, M. a. A., Biçer, D. F., Cetinkaya, H., David, O. A., Dural, S., Erickson, P., Ermakov, A. M., Ertuğrul, B., . . . Zinurova, R. I. (2021). Cross-Cultural Perspectives on the Role of Empathy during COVID-19’s First Wave. Sustainability, 13(13), 7431. https://doi.org/10.3390/su13137431
تعليقات