top of page
Ảnh của tác giảVietnam CareFor

Vai Trò Của Nhà Nhân Sự Trong Việc Xây Dựng Văn Hóa Phản Hồi Lành Mạnh

Văn hóa phản hồi lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe tinh thần nhân viên và xây dựng văn hóa doanh nghiệp năng suất, hạnh phúc. Ở mô hình phản hồi truyền thống, thông thường quản lý và lãnh đạo sẽ đưa ra phản hồi cho nhân viên. Trái lại, đối với văn hóa phản hồi lành mạnh, tổ chức không chỉ đón nhận mà còn hoan nghênh phản hồi từ nhân viên ở mọi cấp bậc. 

Văn hóa phản hồi giúp tổ chức cải thiện hiệu suất
Văn hóa phản hồi giúp tổ chức cải thiện hiệu suất

Văn hóa phản hồi lành mạnh không những góp phần xây dựng đội ngũ gắn kết, củng cố sự an toàn về tâm lý, mà còn đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của tổ chức. Bài viết này chỉ ra tầm quan trọng của việc phản hồi lành mạnh, cũng như phương pháp kiến tạo văn hóa phản hồi lành mạnh cho nhà nhân sự.

Tầm Quan Trọng Của Văn Hoá Phản Hồi Lành Mạnh

Văn hóa phản hồi lành mạnh đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bao gồm:

  • Tăng mức độ gắn kết của nhân viên: Khảo sát của Achievers (2020) cho thấy nhân viên nhận được phản hồi kịp thời và mang tính xây dựng có nhiều khả năng ở lại với công ty của họ hơn. Điều này cho thấy việc phản hồi lành mạnh gia tăng sự gắn kết của nhân viên, giúp giảm thiểu chi phí luân chuyển công việc. 

  • Cải thiện hiệu suất: Nghiên cứu bởi Gallup (2011) cho thấy những đội nhóm thường xuyên đưa ra phản hồi tích cực có hiệu suất cao gấp 12.5% so với những đội ngũ khác. Điều này cho thấy việc xây dựng văn hóa phản hồi lành mạnh tác động trực tiếp đến năng suất và lợi nhuận chung của tổ chức.

  • Phát triển tài năng: Nghiên cứu của Officevibe (2021) chỉ ra rằng 83% nhân viên trân trọng những phản hồi góp ý xây dựng, và 96% nhân viên mong muốn nhận được phản hồi thường xuyên. Việc cung cấp cho nhân viên những phản hồi hữu ích là một cách hỗ trợ họ phát triển tài năng và sự nghiệp.

  • Nâng cao khả năng đổi mới và thích ứng: Trong bối cảnh với nhiều biến động như hiện nay, thói quen phản hồi đóng vai trò quan trọng đối với khả năng thích ứng của tổ chức. Việc tích cực tìm kiếm phản hồi từ nhân viên, khách hàng và các bên liên quan giúp tổ chức đón đầu xu hướng thị trường, đưa ra quyết định sáng suốt trong việc quản trị sự thay đổi.

Văn hóa phản hồi lành mạnh giúp tổ chức cải thiện hiệu suất
Văn hóa phản hồi lành mạnh giúp tổ chức cải thiện hiệu suất

Cách Xây Dựng Văn Hóa Phản Hồi Tại Nơi Làm Việc

Sau đây là một số phương pháp giúp nhà nhân sự xây dựng văn hóa phản hồi tại tổ chức:

  • Khuyến khích sự phản hồi: Nhà nhân sự hãy khuyến khích nhân viên chủ động tìm kiếm phản hồi từ đồng nghiệp, quản lý, cũng như hoan nghênh nhân viên đưa ra phản hồi cho lãnh đạo và cho nhau. Điều này giúp nuôi dưỡng bầu không khí trung thực và an toàn về tâm lý. 

  • Thúc đẩy phản hồi đồng đẳng: Phản hồi đồng đẳng là khi nhân viên đưa ra những phản hồi tích cực, cũng như đề xuất lĩnh vực cần cải thiện cho nhau. Văn hóa phản hồi đồng đẳng khiến đội ngũ hỗ trợ và chia sẻ tài nguyên cho nhau, giúp gia tăng sự gắn kết.

  • Nuôi dưỡng tư duy phát triển: Để xây dựng văn hóa phản hồi lành mạnh, nhân sự hãy khuyến khích tư duy phát triển cho nhân viên. Hãy xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhấn mạnh vào việc học hỏi. Điều này giúp nhân viên vượt qua nỗi sợ và bứt phá trong công việc.

  • Cung cấp đào tạo về giao tiếp: Để văn hóa phản hồi phát triển, nhân viên cần chia sẻ phản hồi một cách trung thực, cởi mở mà không tấn công hoặc làm tổn thương người nhận phản hồi. Do đó, nhà nhân sự cần trang bị cho mỗi nhân viên bộ kỹ năng cải thiện giao tiếp, từ đó tránh được những xung đột không đáng có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự gắn kết của đội ngũ.

  • Phản hồi liên tục thay vì phản hồi định kỳ: Để việc phản hồi trở thành văn hóa doanh nghiệp, nhà nhân sự nên tổ chức phản hồi liên tục thay vì định kỳ. Điều này giúp nhân viên cảm thấy quen thuộc và trở nên thoải mái hơn với quy trình phản hồi.

  • Củng cố an toàn về tâm lý: Để văn hóa phản hồi được củng cố, mỗi cá nhân trong tổ chức phải cảm thấy an toàn và thoải mái để nói lên suy nghĩ của mình. Nhà nhân sự hãy đề cao sự thấu cảm trong đội ngũ, giúp nhân viên thoải mái chia sẻ phản hồi mà không sợ bị trách móc hay trừng phạt. 

  • Cân bằng phản hồi xây dựng với phản hồi tích cực: Nhà nhân sự nên cân bằng giữa việc đưa ra phản hồi góp ý xây dựng và phản hồi tích cực. Nếu chỉ đưa ra quá nhiều phản hồi góp ý, nhân viên có thể cảm thấy tự ti hoặc bị tổn thương, gia tăng stress trong nhân viên và nguy cơ họ rời khỏi công ty. Mỗi lời phản hồi nên bắt đầu với việc công nhận những mặt tích cực của nhân viên, đi kèm lời góp ý điểm cần cải thiện.  

  • Sử dụng nhiều kênh phản hồi: Đôi khi, việc phản hồi trực tiếp có thể khiến nhân viên cảm thấy không thoải mái. Nhà nhân sự hãy cân nhắc những phương thức khác nhau để đưa ra phản hồi, ví dụ như sử dụng nền tảng phản hồi trực tuyến, các phiên phản hồi nhóm nhỏ, hoặc các lựa chọn thay thế khác. 

Nhà nhân sự nên khuyến khích việc phản hồi trong đội ngũ
Nhà nhân sự nên khuyến khích việc phản hồi trong đội ngũ

Kết Luận

Việc xây dựng văn hóa phản hồi lành mạnh không chỉ cải thiện sức khỏe tinh thần cho doanh nghiệp, giảm thiểu burn-out, mà còn giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và an toàn về tâm lý. Khi nhân viên cảm thấy được lắng nghe và có cơ hội đóng góp ý kiến, họ sẽ gắn kết hơn với tổ chức, từ đó nâng cao năng suất và tinh thần làm việc. Do đó, doanh nghiệp nên khuyến khích và thực hành văn hóa phản hồi ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của cả nhân viên và tổ chức.


Nguồn tham khảo: 


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page