top of page
Ảnh của tác giảVietnam CareFor

Stress Trong Nhân Viên Và Những Phương Pháp Quản Lý Căng Thẳng

Stress trong nhân viên là điều không thể tránh khỏi và sẽ ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, căng thẳng liên tục và kéo dài có thể dẫn đến kiệt sức, mức độ gắn kết thấp, cũng như gia tăng tỷ lệ thôi việc (Smith, 2020). 

Stress trong nhân viên gây ảnh hưởng đến hiệu suất chung
Stress trong nhân viên gây ảnh hưởng đến hiệu suất chung

Việc đảm bảo các kỹ năng tự hỗ trợ và áp dụng các phương pháp phù hợp giúp nhân viên quản lý stress, từ đó thúc đẩy hiệu suất của họ trong công việc. Bài viết này khám phá những nguyên nhân gây stress trong nhân viên, cũng như những chiến lược mà tổ chức có thể sử dụng để hỗ trợ nhân viên quản lý căng thẳng.

Stress Trong Nhân Viên Và Những Yếu Tố Công Việc

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Theo một số nghiên cứu (Chan & Perry, 2021; Taylor, 2021), bên cạnh những yếu tố cá nhân, một vài yếu tố liên quan đến công việc cũng có thể làm gia tăng stress trong nhân viên như: 

  • Thời gian làm việc dài hoặc thiếu linh hoạt: Thời gian làm việc kéo dài hoặc thiếu linh hoạt không chỉ gây ra mệt mỏi về thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Điều này có thể dẫn đến kiệt sức, giảm năng suất, và thậm chí là tăng nguy cơ nghỉ việc.

  • Khối lượng công việc nặng nề: Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi nhân viên phải xử lý nhiều nhiệm vụ trong một khoảng thời gian ngắn dễ gia tăng cảm giác quá tải. Điều này khiến nhân viên cảm thấy mất phương hướng và không đủ thời gian để thực hiện công việc một cách hiệu quả. 

  • Văn hóa làm việc chưa an toàn về tâm lý: Môi trường làm việc mà nhân viên cảm thấy không an toàn về mặt tâm lý sẽ gây ra stress trong nhân viên, bởi họ luôn phải lo ngại việc bị chỉ trích khi chia sẻ ý kiến hoặc mắc sai lầm. 

  • Thiếu quyền tự chủ: Khi nhân viên không có quyền tự chủ trong việc ra quyết định hoặc điều hành công việc của mình, họ có thể cảm thấy bị giới hạn, mất động lực và thiếu sự hài lòng trong công việc. Điều này khiến stress trong nhân viên ngày một gia tăng. 

  • Thiếu nguồn lực hỗ trợ: Khi nhân viên không nhận được sự hỗ trợ từ quản lý hoặc đồng nghiệp, họ có thể cảm thấy bị cô lập, không có ai để chia sẻ khó khăn. Việc thiếu sự hướng dẫn, phản hồi một cách thấu cảm có thể gia tăng stress trong nhân viên. 

  • Xung đột tại nơi làm việc: Xung đột giữa các đồng nghiệp hoặc giữa nhân viên và quản lý có thể làm giảm hiệu suất làm việc, tạo ra bầu không khí tiêu cực trong đội ngũ. Xung đột, dù là về ý kiến, trách nhiệm, hay quyền lợi, đều có thể làm suy giảm sự gắn kết trong đội ngũ và gia tăng mức độ stress trong nhân viên. 

  • Thiếu cơ hội phát triển: Khi nhân viên không có cơ hội để phát triển trong sự nghiệp, họ có thể cảm thấy mất phương hướng và không có động lực. Điều này không chỉ gia tăng stress trong nhân viên mà còn dẫn đến sự bất mãn và tăng khả năng nghỉ việc. 

Một số yếu tố công việc làm gia tăng stress trong nhân viên
Một số yếu tố công việc làm gia tăng stress trong nhân viên

Những Phương Pháp Ứng Phó Stress Trong Nhân Viên

Sau đây là một số phương pháp giúp nhân viên tự quản lý căng thẳng, dựa trên nghiên cứu từ Chen và cộng sự (2016): 

  • Dành thời gian cho gia đình và tự chăm sóc sức khỏe tinh thần. 

  • Tìm kiếm những sở thích có ý nghĩa ngoài công việc.

  • Tận dụng các kì nghỉ để tái tạo năng lượng.

  • Thiết lập lịch trình hằng ngày một cách rõ ràng.

  • Đặt ra các mục tiêu thực tế ở cả nơi làm việc và tại nhà.

  • Trao đổi với quản lý khi cảm thấy công việc trở nên quá tải.

  • Tập thể dục, ăn uống lành mạnh, và ngủ đủ giấc để tự chăm sóc bản thân.

Các Chiến Lược Giúp Tổ Chức Cải Thiện Stress Trong Nhân Viên

Bên cạnh những phương pháp quản lý stress dành cho cá nhân, tổ chức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhân viên để giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc. Một số chiến lược mà các doanh nghiệp có thể thực hiện bao gồm: 

  • Sắp xếp công việc linh hoạt: Tạo ra các khung giờ làm việc linh hoạt giúp nhân viên dễ dàng điều chỉnh giữa công việc và trách nhiệm cá nhân, giúp giảm nguy cơ burn-out. 

  • Lựa chọn làm việc từ xa: Cung cấp lựa chọn làm việc từ xa nếu phù hợp để nhân viên có thể làm việc trong môi trường thoải mái và tiết kiệm thời gian di chuyển.

  • Cung cấp phúc lợi nuôi dạy con cái: Đầu tư vào các chương trình chăm sóc nhân viên và các phúc lợi như EAP để giúp nhân viên giảm bớt áp lực trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.

  • Không khuyến khích làm thêm giờ quá mức: Tránh khuyến khích việc làm thêm giờ nếu không cần thiết để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.

  • Đào tạo kỹ năng quản lý stress: Cung cấp những chương trình đào tạo kỹ năng giúp nhân viên tự nhận diện và quản lý căng thẳng. 

  • Làm gương từ lãnh đạo: Khuyến khích các nhà lãnh đạo thực hành quản lý stress và tự chăm sóc bản thân, từ đó làm gương cho nhân viên trong việc tự cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần. Điều này giúp tổ chức xây dựng văn hóa doanh nghiệp đề cao sức khỏe toàn diện cho nhân viên.

Sự hỗ trợ từ tổ chức giúp cải thiện stress trong nhân viên
Sự hỗ trợ từ tổ chức giúp cải thiện stress trong nhân viên

Kết Luận

Stress trong nhân viên nếu kéo dài mà không được xử lý sẽ dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như kiệt sức, giảm mức độ gắn kết và tỷ lệ nghỉ việc cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhân viên mà còn gây nguy hại đến hiệu suất và sự thành công của tổ chức (Smith, 2020). 

Việc áp dụng những chiến lược hỗ trợ nhân viên quản lý stress và đầu tư vào các chương trình chăm sóc nhân viên không chỉ giúp nhân viên có một tinh thần khỏe mạnh, mà còn giúp tổ chức xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, giúp gia tăng hiệu suất. 


Nguồn tham khảo:


0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page