Phong cách lãnh đạo chuyển đổi không chỉ dừng lại ở việc điều hành công việc, mà còn không ngừng khơi dậy tiềm năng của cá nhân, từ đó gia tăng sự cam kết để đạt được những mục tiêu chung. Trong bối cảnh hiện đại, các tổ chức không chỉ cần những người quản lý hiệu quả mà còn cần những nhà lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng, thúc đẩy sự đổi mới, và xây dựng đội ngũ gắn kết.
Bài viết này sẽ khám phá về phong cách lãnh đạo chuyển đổi, đồng thời đề xuất những chiến lược giúp các nhà lãnh đạo nâng cao kỹ năng này.
Lãnh Đạo Chuyển Đổi
Lãnh đạo chuyển đổi là phong cách lãnh đạo tập trung vào việc truyền cảm hứng, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và sự phát triển trong đội ngũ nhân viên. Dựa trên mô hình 4 yếu tố của Bass (1996), lãnh đạo chuyển đổi bao gồm các tố chất sau đây:
Xây dựng tầm nhìn truyền cảm hứng (Inspirational motivation): Nhà lãnh đạo có khả năng truyền đạt một tầm nhìn rõ ràng, có ý nghĩa, và tạo động lực cho nhân viên hướng tới tầm nhìn chung.
Kích thích tư duy (Intellectual stimulation): Nhà lãnh đạo chuyển đổi khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, và tư duy phản biện của đội ngũ. Họ thường không áp đặt mà hỗ trợ nhân viên tự tìm giải pháp cho các vấn đề.
Hỗ trợ cá nhân (Individualized consideration): Nhà lãnh đạo chuyển đổi dành thời gian để thấu hiểu và hỗ trợ từng cá nhân, chú trọng phát triển khả năng và tiềm năng của họ trong công việc.
Tạo ảnh hưởng lý tưởng (Idealized influence): Nhà lãnh đạo làm gương (role model), hành động nhất quán với giá trị đã đề ra, từ đó xây dựng niềm tin và sự cam kết từ đội ngũ.
Các nhà lãnh đạo chuyển đổi tập trung vào việc nuôi dưỡng sự thay đổi tích cực, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân thông qua việc tạo động lực cho nhân viên, đồng thời khơi gợi tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo của đội ngũ. Họ không chỉ dẫn dắt đội ngũ đạt được mục tiêu, mà còn gia tăng khả năng thích nghi của tổ chức.
Tầm Quan Trọng Của Lãnh Đạo Chuyển Đổi Trong Tổ Chức
Kết quả từ các nghiên cứu (Deng et al., 2022) đã chỉ ra rằng phong cách lãnh đạo chuyển đổi tạo ra những ảnh hưởng tích cực vào nhiều khía cạnh khác nhau cho đội ngũ, bao gồm:
Thúc đẩy sự sáng tạo: Lãnh đạo chuyển đổi khuyến khích nhân viên tự tìm kiếm giải pháp mới và phá vỡ các giới hạn trong suy nghĩ. Điều này có vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng lực cạnh tranh và đổi mới trong tổ chức.
Tăng cường sự gắn kết: Nhà lãnh đạo chuyển đổi truyền cảm hứng, động viên nhân viên tham gia vào tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức. Điều này không chỉ giúp đội nhóm đạt được mục tiêu công việc mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần cho doanh nghiệp.
Quản trị sự thay đổi: Trong bối cảnh doanh nghiệp với nhiều sự thay đổi, phong cách lãnh đạo chuyển đổi giúp nhà lãnh đạo quản lý động lực thay đổi, tránh tình trạng bị trì trệ để đạt được đà tăng trưởng lâu dài.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp học hỏi: Lãnh đạo chuyển đổi đặt nặng việc học tập liên tục và khuyến khích nhân viên không ngừng phát triển bản thân. Điều này đem lại nhiều lợi ích về hiệu suất cho tổ chức.
Chiến Lược Nâng Cao Kỹ Năng Lãnh Đạo Chuyển Đổi
Dựa trên mô hình Lãnh đạo chuyển đổi của Bass và cộng sự (1996), sau đây là 4 bước nâng cao kỹ năng lãnh đạo chuyển đổi cho nhà quản lý.
Bước 1: Xây Dựng Tầm Nhìn Truyền Cảm Hứng
Kỹ năng xây dựng tầm nhìn truyền cảm hứng trong phong cách lãnh đạo chuyển đổi có thể được nâng cao thông qua các chiến lược như:
Xây dựng một tầm nhìn rõ ràng và hấp dẫn: Nhà lãnh đạo hãy xác định niềm tin cốt lõi mà tổ chức muốn đạt được, đồng thời đảm bảo tầm nhìn này dễ hiểu và có ý nghĩa đối với nhân viên.
Tạo khẩu hiệu hoặc thông điệp ngắn gọn: Để củng cố hành vi tổ chức, nhà lãnh đạo cũng có thể sử dụng một câu khẩu hiệu hoặc thông điệp để nhân viên dễ dàng chia sẻ và kết nối. Một vài ví dụ có thể kể đến bao gồm “Nike - Just Do It” hoặc “Apple - Think Different”.
Lồng ghép tầm nhìn vào việc thay đổi thói quen: Hãy đảm bảo tầm nhìn không chỉ là lời nói trong các cuộc họp mà được áp dụng vào các thói quen hằng ngày thông qua quy trình, mục tiêu công việc, và các nhiệm vụ của đội nhóm..
Bước 2: Kích Thích Tư Duy
Nhà lãnh đạo chuyển đổi cần thúc đẩy nhân viên không ngại đổi mới và thử nghiệm, thông qua các chiến lược như:
Kiến tạo “góc sáng tạo” trong tổ chức: Cung cấp không gian vật lý hoặc nền tảng trực tuyến an toàn về tâm lý, nơi nhân viên có thể thoải mái thảo luận, chia sẻ ý tưởng mà không bị áp lực về kết quả.
Nuôi dưỡng tư duy phát triển: Đặt kỳ vọng rằng việc thất bại khi thử nghiệm ý tưởng mới là một phần tự nhiên của quá trình sáng tạo. Tổ chức các buổi chia sẻ bài học từ thất bại để nhân viên vượt qua nỗi sợ khi mạo hiểm thử nghiệm.
Kích thích tư duy lãnh đạo: Khuyến khích các câu hỏi mở như "tại sao" và "nếu như" để mở rộng góc nhìn và tư duy phản biện trong các cuộc thảo luận.
Bước 3: Hỗ Trợ Cá Nhân
Nhà lãnh đạo chuyển đổi cần thể hiện sự quan tâm đến cá nhân mỗi thành viên trong đội ngũ, thông qua những chiến lược như:
Lắng nghe tích cực: Hãy lắng nghe không chỉ nội dung mà cả cảm xúc của nhân viên, tạo cảm giác họ được thấu hiểu. Điều này giúp nhà lãnh đạo chuyển đổi chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên một cách hiệu quả.
Cố vấn và định hướng: Đưa ra lời khuyên, phản hồi lành mạnh hoặc giúp nhân viên xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân. Nhà lãnh đạo cũng có thể đầu tư vào các chương trình chăm sóc nhân viên để hỗ trợ họ trong những giai đoạn khó khăn.
Bước 4: Tạo Ảnh Hưởng Lý Tưởng
Nhà lãnh đạo chuyển đổi cần trở thành một hình mẫu tích cực để nhân viên noi theo, thông qua các chiến lược như:
Tham gia trực tiếp vào các hoạt động cùng nhân viên: Khi đội ngũ đối mặt với thử thách, hãy tham gia và hỗ trợ nhân viên giải quyết vấn đề. Điều này không chỉ truyền cảm hứng mà còn thể hiện sự đồng hành và cam kết.
Xây dựng tính nhất quán trong hành động và lời nói: Nhà lãnh đạo chuyển đổi cần đảm bảo mọi hành động của bản thân đều phù hợp với giá trị và tầm nhìn của tổ chức. Điều này cần thực hiện không chỉ qua lời nói hay trong các cuộc họp, mà còn qua hành động thường ngày của nhà lãnh đạo trong công việc.
Kết Luận
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi không ngừng, lãnh đạo chuyển đổi không chỉ là một phong cách lãnh đạo, mà còn là một điều kiện thiết yếu để thúc đẩy tổ chức tiến lên phía trước. Một nhà lãnh đạo chuyển đổi không chỉ truyền cảm hứng về tầm nhìn, khuyến khích sự đổi mới, mà còn xây dựng niềm tin và sự gắn kết mạnh mẽ nơi đội ngũ của mình.
Bằng việc nâng cao kỹ năng lãnh đạo chuyển đổi, tổ chức không chỉ thích nghi tốt hơn với thách thức mà còn bứt phá để đạt đến những thành tựu bền vững trong tương lai.
Nguồn tham khảo
Bass, B. M., Avolio, B. J., & Atwater, L. (1996). The transformational and transactional leadership of men and women. Applied Psychology: An International Review, 45, 5–34
Deng, C., Gulseren, D., Isola, C., Grocutt, K., & Turner, N. (2022). Transformational leadership effectiveness: an evidence-based primer. Human Resource Development International, 26(5), 627–641. https://doi.org/10.1080/13678868.2022.2135938
Kovjanic, S., Schuh, S. C., Jonas, K., Quaquebeke, N. V., & van Dick, R. (2012). How do transformational leaders foster positive employee outcomes? A self-determination-based analysis of employees’ needs as mediating links. Journal of Organizational Behavior, 33(8), 1031–1052. https://doi.org/10.1002/job.1771
留言