top of page
Ảnh của tác giảVietnam CareFor

Xây dựng văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần trong tổ chức

Nuôi dưỡng một văn hóa tổ chức đích thực về chăm sóc sức khỏe tinh thần chính là tạo ra một thói quen chăm sóc sức khỏe tinh thần trong toàn bộ tổ chức. Đây vừa là nguyên tắc thực thi đạo đức lao động vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty cũng như gia tăng tính bứt phá trong kinh doanh. Nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra mối liên kết rõ ràng giữa môi trường làm việc lành mạnh về mặt tâm lý với việc tăng năng suất, sự sáng tạo, sự hài lòng và giữ chân nhân viên. Cụ thể, một nghiên cứu của Harter và cộng sự trên gần 5.000 đơn vị kinh doanh cho thấy các tổ chức chăm sóc sức khỏe tâm lý tốt hơn có hiệu suất và xếp hạng hài lòng của khách hàng cao hơn đáng kể (Harter và cộng sự, 2002). Ở chiều hướng ngược lại, các vấn đề về sức khỏe tinh thần ước tính gây thiệt hại 1 nghìn tỷ USD mỗi năm cho kinh tế toàn cầu do mất năng suất (Chisholm và cộng sự, 2016). Vậy làm thế nào xây dựng văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần trong tổ chức? Bài viết này khám phá các chiến lược dựa trên bằng chứng mà bất kỳ tổ chức nào cũng có thể thực hiện để nâng cao khả năng phục hồi và chăm sóc sức khỏe tinh thần, tạo ra những nơi làm việc tích cực và nhân văn hơn ngay cả trong thời kỳ khó khăn.




Bước 1: Đánh giá sức khỏe tinh thần và nguồn gây căng thẳng về sức khỏe tinh thần trong tổ chức

Thông thường, nhiều tổ chức thực hiện đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần của tổ chức thông qua một vài bài khảo sát hay test có sẵn trên internet, tuy nhiên, CareFor khuyến nghị các tổ chức tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia Tâm lý có chuyên môn giỏi về đánh giá tâm lý và kinh nghiệm thực tế trong môi trường doanh nghiệp để tư vấn và thực hiện các đánh giá này. Bởi vì, một kết quả đánh chính xác phải được thực hiện chuẩn xác ngay từ những bước đầu tiên trong chọn lọc tiêu chí, công cụ đánh giá, cách thức thực hiện, phân tích và đọc dữ liệu. Một nhà Tâm lý học có chuyên môn về đánh giá tâm lý sẽ thực hiện các phân tích quan trọng về các yếu tố tác động đến sức khỏe tinh thần bên cạnh việc đưa ra bức tranh tổng quan về thực trạng sức khỏe tinh thần của doanh nghiệp. Đây là điểm mấu chốt để xác định nguồn chính tạo ra sự căng thẳng trong môi trường làm việc và các hành động cần thực hiện.  


Bước 2: Xác định các hành động, thói quen quan sát được trong chăm sóc sức khỏe tinh thần tại tổ chức

Hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành thói quen. Thói quen này tạo là văn hóa của doanh nghiệp. Do đó, văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần phải được xác định thành những hành động cụ thể hằng ngày và có thể quan sát được. Ví dụ, đó là thói quen cảm ơn đồng nghiệp, đối tác trong mỗi lần tương tác công việc hay phục vụ khách hàng thay vì nói chung chung là thể hiện sự tôn trọng, ghi nhận người khác. Hay đó là thói quen gọi vào tổng đài 24/7 để được hỗ trợ khi gặp các vấn đề gây căng thẳng mà bản thân chưa giải quyết hiệu quả thay vì đưa ra lời kêu gọi chung chung như hãy quan tâm đến cảm xúc bản thân và sẵn sàng tìm trợ giúp. Dễ thực hiện- Quan sát được- Kết quả nhanh là 3 tiêu chí quan trọng trong chọn lựa hành động cần thực hiện trong tổ chức.


Bước 3: Kickoff các hành động và role model từ lãnh đạo

Mọi hành động, chương trình của tổ chức sẽ đều không đạt được thành công nếu thiếu đi sự thực hành và làm gương của lãnh đạo. Do vậy, khi HR xúc tiến thực hiện văn hóa nói chung và văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần nói riêng, người đầu tiên HR cần trao đổi hình dung về “chân dung văn hóa tổ chức trong chăm sóc sức khỏe tinh thần” chính là lãnh đạo cấp cao. Đồng thời, người đầu tiên thực hiện các hành động chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng không ai khác ngoài lãnh đạo. Đây phải là một tác động mang tính top-dowm, từ trên xuống dưới. Các nhà lãnh đạo phải nghiêm túc trong việc thực hiện các hành động chăm sóc sức khỏe tinh thần và đồng hành cùng HR trong việc tạo cảm hứng hành động trong toàn bộ tổ chức.


Bước 4: Xây dựng khả năng phục hồi của lực lượng lao động thông qua chương trình dựa trên thực chứng- EAP

Tổ chức có thể thực hiện nhiều hành động trong xây dựng văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần nhưng không thể thiếu dịch vụ hỗ trợ nhân viên – EAP (Employees Assisstant Program) bởi lẽ mỗi nhân viên cần phải có một nguồn lực hỗ trợ kịp thời 24/7 cho những vấn đề rất đa dạng và rất khác biệt của mỗi cá nhân. Đặc biệt, sự hỗ trợ này phải đến từ các chuyên gia phù hợp từ đa dạng chuyên môn như Tâm lý trẻ em, Tham vấn tâm lý, Tâm lý lâm sàng, Tâm lý hướng nghiệp, Bác sĩ, Khai vấn quản trị, Khai vấn lãnh đạo, Luật, Tài chính,…  Bên cạnh đó, tại dịch vụ EAP, tổ chức được cung cấp đa dạng các chương trình chuyên đề, đào tạo cũng như các hoạt động sáng tạo khác nhằm hướng đến mục tiêu kiến tạo văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần gắn liền chiến lược kinh doanh. Đây cũng chính là tạo ra một mạng lưới hỗ trợ toàn diện và ngay lập tức cho mỗi người lao động.


Bước 5: Ghi nhận và khen thưởng

Khi văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần trong tổ chức là một trong những chiến lược của doanh nghiệp, các hoạt động của dự án này cũng bắt buộc phải có các hoạt động ghi nhận và khen thưởng để tạo động lực thực hiện và duy trì hành động. Tương tự như các hoạt động khen thưởng khác, việc ghi nhân và khen thưởng này cũng đảm bảo yếu tố Đa dạng hình thức- Kịp thời- Liên tục.

 

Kết luận

Những nhu cầu phức tạp của môi trường kinh doanh ngày nay cùng với nhận thức ngày càng tăng của công chúng khiến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trở thành ưu tiên cấp bách với nhiều lợi ích rộng rãi. Tương lai của công việc vẫn còn đầy sự phức tạp và không ổn định. Tuy nhiên, chính những thời điểm bất định này, doanh nghiệp muốn ổn định kinh doanh trước hết phải ổn định lòng người- ổn định tâm lý mỗi nhân viên. Hơn bao giờ hết văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần cần được xúc tiến và đẩy mạnh tại mỗi tổ chức. Luôn có giải pháp xây dựng văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần phù hợp với bối cảnh kinh doanh, tài chính của mỗi doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có hướng tiếp cận đúng.


Tác giả: Quách Kim Thành - Mindvalley Adventurer

Nguồn tham khảo:

1. Chisholm, D., Sweeny, K., Sheehan, P., Rasmussen, B., Smit, F., Cuijpers, P., & Saxena, S. (2016). Scaling-up treatment of depression and anxiety: A global return on investment analysis. The Lancet Psychiatry, 3(5), 415-424

2. Hadlaczky, G., Hökby, S., Mkrtchian, A., Carli, V., & Wasserman, D. (2014). Mental Health First Aid is an effective public health intervention for improving knowledge, attitudes, and behaviour: A meta-analysis. International Review of Psychiatry, 26(4), 467-475.

3. Harter, J. K., Schmidt, F. L., & Keyes, C. L. (2002). Well-being in the workplace and its relationship to business outcomes: A review of the Gallup studies. Flourishing: Positive psychology and the life well-lived, 2(2), 205-224.

4. NAMI (2021). Mental health in the workplace. 

5. Richardson, K. M., & Rothstein, H. R. (2008). Effects of occupational stress management intervention programs: A meta-analysis. Journal of Occupational Health Psychology, 13(1), 69-93.


24 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page