top of page
Ảnh của tác giảVietnam CareFor

Vượt Qua Nỗi Sợ Để Phát Triển Trong Công Việc Và Cuộc Sống

Việc vượt qua nỗi sợ giúp mỗi người có thêm động lực, đồng thời phát triển bản thân trong công việc và cuộc sống. Trong doanh nghiệp, những nỗi sợ phổ biến như sợ thất bại, sợ bị phán xét, sợ mất việc, hoặc sợ bất đồng ý kiến thường khiến các cá nhân tránh né cơ hội, giảm thiểu sự tự tin, và suy giảm động lực làm việc. Việc vượt qua những nỗi sợ này sẽ giúp tổ chức cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng cường hiệu quả làm việc. 

Vượt qua nỗi sợ là chìa khóa để nâng tầm sự nghiệp
Vượt qua nỗi sợ là chìa khóa để nâng tầm sự nghiệp

Bài viết này sẽ chỉ ra những nỗi sợ phổ biến trong bối cảnh doanh nghiệp, và hướng dẫn những phương pháp giúp cá nhân vượt qua nỗi sợ. 

Vượt Qua Những Nỗi Sợ Phổ Biến Trong Công Việc 

Khi không vượt qua nỗi sợ, nhân viên sẽ ngần ngại thể hiện bản thân, tránh né những cơ hội, và cảm thấy thiếu tự tin trong công việc. Nghiên cứu của Clark và Beck (2011) đã chỉ ra những nỗi sợ thường thấy nơi công sở bao gồm:

  • Sợ thất bại: Nhân viên lo lắng rằng bản thân không hoàn thành tốt nhiệm vụ, mắc sai lầm, hay không đạt được mục tiêu đề ra. 

  • Sợ bị phán xét: Nhân viên e ngại sự đánh giá của đồng nghiệp, lãnh đạo về năng lực và hiệu quả công việc của bản thân.

  • Sợ mất việc: Nhân viên lo lắng rằng bản thân sẽ bị sa thải, mất đi nguồn thu nhập, và đánh mất vị trí công việc hiện tại.

  • Sợ thử thách mới: Nhân viên gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, thích nghi với môi trường mới, hoặc hoàn thành những nhiệm vụ mà bản thân chưa từng thử qua.

  • Sợ xung đột: Nhân viên lo sợ và tránh né những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến với đồng nghiệp hay cấp trên.

Việc hỗ trợ nhân viên vượt qua những nỗi sợ này giúp lãnh đạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp an toàn về tâm lý, thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên, xây dựng đội ngũ gắn kết, và nâng cao sức khỏe tinh thần cho doanh nghiệp. 

Vượt Qua Nỗi Sợ Bằng Cách Thừa Nhận Và Phân Tích Nỗi Sợ

Việc thừa nhận và phân tích nỗi sợ chẳng những giúp bạn bớt sợ hãi, mà còn giúp bạn hiểu rõ về điểm mạnh, điểm yếu, cũng như niềm tin cốt lõi của bản thân (Beck, 1979). Sau đây là những phương pháp giúp bạn thừa nhận và phân tích nỗi sợ: 

  • Xác định nguồn gốc nỗi sợ: Để vượt qua nỗi sợ, trước tiên bạn cần xác định nguồn gốc của sự sợ hãi. Ví dụ, nếu bạn sợ bị phán xét khi trình bày ý tưởng mới, hãy xem xét liệu nguyên nhân là do bạn từng bị chỉ trích trong quá khứ, hay do bạn không tự tin vào khả năng của mình. 

  • Giải phóng cảm xúc: Việc vượt qua nỗi sợ đòi hỏi bạn cần đối mặt với cảm xúc lo sợ một cách tích cực mà không né tránh những cảm xúc này. Ví dụ, thay vì nói với bản thân "Tôi không sợ mất việc", hãy thừa nhận "Tôi cảm thấy lo lắng về nguy cơ mất việc".

  • Phân tích nỗi sợ: Bước tiếp theo của việc vượt qua nỗi sợ đòi hỏi bạn cần phân tích tính hợp lý của những nỗi sợ này. Ví dụ, nếu bạn sợ mất việc, hãy xem xét tính thực tế của nỗi lo này, và tự đặt ra những chiến thuật giúp bạn giảm thiểu rủi ro mất việc.

Vượt Qua Nỗi Sợ Bằng Cách Nâng Cao Sự Tự Tin

Việc vượt qua nỗi sợ đòi hỏi bạn cần nâng cao sự tự tin để đối mặt với những khó khăn, thử thách, và nắm bắt những cơ hội mới (Edmondson, 2018). Sau đây là những phương pháp giúp bạn nâng cao sự tự tin: 

  • Tập trung vào điểm mạnh: Hãy ghi chép lại những điểm mạnh của bản thân, và tập trung phát triển những khía cạnh này. Ví dụ, để vượt qua nỗi sợ thuyết trình, hãy nhớ lại một lần bạn đã thuyết trình thành công trong quá khứ. Hãy liệt kê những điểm mạnh mà bạn đã thể hiện như khả năng giao tiếp, kiến thức chuyên môn, hoặc khả năng thu hút sự chú ý của khán giả. 

  • Xây dựng kỹ năng: Để vượt qua nỗi sợ và gia tăng sự tự tin, hãy nâng cao những kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc. Ví dụ, nếu bạn lo sợ khi được giao một đầu việc khó, hãy tham gia các khóa học, chương trình coaching, hoặc tìm kiếm nguồn tài liệu để nâng cao kỹ năng của mình.

  • Tìm kiếm sự hợp tác: Hãy chia sẻ nỗi sợ của bạn với đồng nghiệp và tìm kiếm sự hợp tác. Việc có được sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm sẽ góp phần giúp bạn vượt qua nỗi sợ và trở nên lạc quan hơn. 

Việc vượt qua nỗi sợ đòi hỏi bạn nâng cao sự tự tin
Việc vượt qua nỗi sợ đòi hỏi bạn nâng cao sự tự tin

Vượt Qua Nỗi Sợ Bằng Cách Thay Đổi Lối Tư Duy

Thông thường, nỗi sợ được củng cố bởi những lối tư duy thiếu thực tế và những niềm tin cốt lõi tiêu cực. Theo nghiên cứu từ Edmonson (2018), sau đây là ba chiến lược thay đổi thói quen tư duy giúp bạn vượt qua nỗi sợ: 

  • Thực hành tư duy phát triển: Để vượt qua nỗi sợ thất bại, bạn hãy thay đổi tư duy để nhìn nhận thất bại là cơ hội học hỏi. Ví dụ, nếu bạn thất bại trong việc trình bày ý tưởng với lãnh đạo, hãy coi đó là cơ hội để học hỏi những bài học quý giá và cải thiện giao tiếp.

  • Tái cấu trúc nỗi sợ: Thay vì tập trung vào những điều tiêu cực, hãy tìm kiếm những cơ hội tích cực trong mỗi thách thức. Điều này giúp bạn vượt qua nỗi sợ và trở nên lạc quan hơn. Ví dụ, nếu bạn lo sợ vì được giao một dự án mới, hãy coi đó là cơ hội để bứt phá và phát triển bản thân.

  • Luyện tập lòng can đảm: Để vượt qua nỗi sợ, bạn hãy luyện tập với những thử thách nhỏ và tăng dần độ khó của những thách thức cho bản thân. Ví dụ, nếu bạn sợ giao tiếp với khách hàng mới, hãy bắt đầu bằng việc gọi điện cho khách hàng, rồi dần dần tiến tới việc gặp gỡ khách hàng trực tiếp.

Vượt Qua Nỗi Sợ Bằng Cách Xây Dựng Môi Trường Hỗ Trợ 

Việc vượt qua nỗi sợ sẽ trở nên khó khăn nếu bạn không có sự giúp đỡ từ các mối quan hệ xung quanh. Sau đây là một số phương pháp để bạn có thể xây dựng môi trường hỗ trợ: 

  • Xây dựng những mối quan hệ lành mạnh: Trên hành trình vượt qua nỗi sợ, những mối quan hệ lành mạnh sẽ hỗ trợ bạn về mặt tinh thần. Trong công việc, những mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp cũng giúp bạn gia tăng sự hợp tác, và nâng cao nguồn lực để vượt qua thử thách.

  • Giao tiếp cởi mở: Khi thẳng thắn thừa nhận những khó khăn của bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ, bạn sẽ có thêm nguồn lực trong hành trình vượt qua nỗi sợ. Đối với lãnh đạo, việc lắng nghe thấu cảm khi nhân viên chia sẻ về nỗi sợ của họ sẽ giúp bạn hỗ trợ nhân viên, và chăm sóc đội nhóm hiệu quả.

  • Xin ý kiến phản hồi: Để vượt qua nỗi sợ, bạn có thể luyện tập đối diện với thử thách và xin ý kiến phản hồi từ những người xung quanh. Ví dụ, nếu bạn sợ thuyết trình trước đám đông, hãy luyện tập trình bày với đồng nghiệp trước, và tham khảo ý kiến phản hồi của họ về những điểm bạn cần cải thiện. 

Vượt Qua Nỗi Sợ Bằng Những Kỹ Thuật Thư Giãn 

Khi đối diện với nỗi sợ, bạn có thể gặp phải những phản ứng căng thẳng như thở gấp, tim đập nhanh, khô miệng. Để vượt qua nỗi sợ, trước tiên bạn cần lấy lại sự bình tĩnh. Sau đây là những kỹ thuật thư giãn giúp bạn quản lý căng thẳng, và giảm thiểu cảm giác sợ hãi tức thời: 

  • Hít thở sâu: Kỹ thuật này giúp bạn trở nên bình tĩnh bằng cách chuyển dời sự chú ý của bạn vào hơi thở. Hãy tập trung vào hơi thở của bạn, hít thở chậm và sâu, giữ hơi thở trong vài giây, rồi thở ra chậm rãi (Robinson, 2024).

  • Thư giãn cơ bắp: Kỹ thuật này giúp bạn giảm các phản ứng sợ hãi tức thời, bằng cách tập trung vào từng nhóm cơ khác nhau trên cơ thể, kéo căng chúng trong vài giây, rồi thả lỏng các nhóm cơ này một cách chậm rãi.

Những kỹ thuật trên sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh, từ đó tỉnh táo đương đầu với thách thức và vượt qua nỗi sợ. 

Những kỹ thuật thư giãn giúp bạn vượt qua nỗi sợ tức thời
Những kỹ thuật thư giãn giúp bạn vượt qua nỗi sợ tức thời

Kết Luận 

Việc nhận biết nỗi sợ và áp dụng những phương pháp hiệu quả sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ, từ đó phát triển bản thân trong công việc cũng như cuộc sống. Bằng cách nhận thức nguyên nhân của nỗi sợ, tăng cường sự tự tin, thay đổi niềm tin cốt lõi, xây dựng môi trường hỗ trợ và áp dụng các kỹ thuật thư giãn, bạn sẽ có thể biến nỗi sợ thành động lực cho hành trình phát triển bản thân. 


Nguồn tham khảo

Beck, A. T. (1979). Cognitive therapy and emotional disorders. Penguin.

Clark, D. A., & Beck, A. T. (2011). Cognitive therapy of anxiety disorders: Science and practice. Guilford Press.

Edmondson, A. C. (2018). The Fearless Organization: Creating psychological safety in the workplace for learning, innovation, and growth. https://ci.nii.ac.jp/ncid/BB2750129X

Robinson, L. (2024). Panic attacks and panic disorder. HelpGuide.org. https://www.helpguide.org/articles/anxiety/panic-attacks-and-panic-disorders.htm

19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page