top of page
Ảnh của tác giảVietnam CareFor

Nguyên Tắc Thiết Kế Chương Trình Chăm Sóc Nhân Viên Trong Tổ Chức

Chương trình chăm sóc nhân viên đang ngày càng được các tổ chức quan tâm, bởi tình trạng kiệt sức gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp như suy giảm hiệu suất và gia tăng tỷ lệ nghỉ việc. Trên thực tế, kết quả khảo sát cho thấy phần lớn nhân viên phớt lờ các vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần, dẫn đến căng thẳng kéo dài và nguy cơ kiệt sức.

Chương trình chăm sóc nhân viên giảm thiểu nguy cơ kiệt sức
Chương trình chăm sóc nhân viên giảm thiểu nguy cơ kiệt sức

Bài viết này đưa ra các nguyên tắc giúp doanh nghiệp xây dựng chương trình chăm sóc nhân viên để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho đội ngũ, từ đó kiến tạo một văn hóa doanh nghiệp tích cực và môi trường làm việc hiệu suất.

Tầm Quan Trọng Của Chương Trình Chăm Sóc Nhân Viên

Chương trình chăm sóc nhân viên giúp tổ chức giảm thiểu những hậu quả tiêu cực từ stress, burn-out và các vấn đề về sức khỏe, bao gồm: 

  • Sự vắng mặt trong công việc: Nhân viên vắng mặt thường xuyên tại nơi làm việc, bao gồm nghỉ việc ngắn hạn và dài hạn vì lý do sức khỏe. Thời gian làm việc của họ cũng thường thiếu hiệu quả vì vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.

  • Năng suất suy giảm: Nhân viên giảm hiệu suất rõ rệt, thường xuyên trễ thời hạn hoặc gia tăng sai sót. Stress trong nhân viên được thể hiện qua những biểu hiện như hay quên, khó tập trung và lơ đãng trong công việc.

  • Thái độ tiêu cực: Nhân viên bị kiệt sức thường xuyên có những biểu hiện tiêu cực, hoài nghi, thờ ơ với công việc và đồng nghiệp. Họ cũng trở nên thiếu nhiệt tình và gắn kết với những dự án và nhiệm vụ liên quan đến công việc, ngay cả đối với những nhiệm vụ yêu thích trước đây. 

  • Sự tự cô lập: Nhân viên cũng thường xuyên có biểu hiện tự cô lập, rút lui khỏi các tương tác xã hội, tránh né đồng nghiệp, và các hoạt động nhóm. 

  • Vấn đề về sức khỏe thể chất: Tình trạng stress cũng khiến nhân viên liên tục gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, đau bụng, cảm cúm mà không rõ nguyên nhân. 

  • Sự xung đột trong công việc: Những nhân viên bị căng thẳng sẽ khó quản lý cơn tức giận. Họ có thể dễ dàng trở nên thất vọng, nóng nảy hoặc cáu kỉnh, ngay cả trong những tình huống nhỏ. Điều này dẫn đến họ thường xuyên gặp phải những xung đột trong công việc. 

  • Sự thay đổi hành vi: Nhân viên có những thay đổi đáng chú ý trong hành vi. Ví dụ, họ ngày càng phụ thuộc vào các chất kích thích như rượu, bia, hoặc thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ. 

  • Vấn đề về cảm xúc: Tâm trạng của nhân viên thay đổi đột ngột. Họ thường xuyên bộc lộ những cảm xúc mạnh mẽ, thất thường, hoặc trở nên nhạy cảm hơn với những lời chỉ trích. 

Nguyên Tắc Xây Dựng Chương Trình Chăm Sóc Nhân Viên

Chương trình chăm sóc nhân viên giúp tổ chức nhận diện những dấu hiệu kiệt sức và cung cấp sự hỗ trợ kịp thời cho nhân viên. Tổ chức có thể xây dựng chương trình chăm sóc nhân viên dựa trên các nguyên tắc sau: 

  • Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Sức khỏe tinh thần (Mental health), trạng thái về sự khỏe mạnh (well-being), hay sức khỏe toàn diện (wellness) tại mỗi tổ chức luôn phải đảm bảo quy tắc phòng ngừa (prevention) hơn là can thiệp (intervention). Mỗi tổ chức cần ưu tiên các chương trình chăm sóc nhân viên từ sớm, thay vì đặt mình vào bối cảnh giải quyết sự-đã-rồi.

  • Luôn đảm bảo nguồn lực hỗ trợ nhân viên: Tổ chức cần trang bị kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần (self help) cho nhân viên. Bên cạnh đó, tổ chức cũng cần đảm bảo các nguồn lực hỗ trợ khác như sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, quản lý (other-help), và sự hỗ trợ chuyên nghiệp (professional help) từ các chuyên gia thông qua dịch vụ EAP, bên cạnh việc cải thiện các chế độ phúc lợi.

  • Bắt đầu từ lãnh đạo và quản lý: Các chương trình well-being sẽ không thành công nếu lãnh đạo chưa nhận thức và thực hành đúng về sức khỏe tinh thần. Lãnh đạo cần làm gương, đồng thời biết nhận diện và hỗ trợ cảm xúc cho nhân viên, từ đó tạo nên môi trường làm việc an toàn và xây dựng đội ngũ gắn kết (Tham khảo chương trình Para-helper manager - Leading with heart của CareFor EAP).

Chương trình chăm sóc nhân viên cần bắt đầu từ lãnh đạo
Chương trình chăm sóc nhân viên cần bắt đầu từ lãnh đạo

Những Gợi Ý Cho Chương Trình Chăm Sóc Nhân Viên 

Sau đây là một số gợi ý giúp tổ chức xây dựng chương trình chăm sóc nhân viên hiệu quả:

  • Thực hiện các buổi đào tạo về sức khỏe tinh thần: Doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhân viên thông qua các buổi đào tạo về sức khỏe tinh thần. Điều này giúp trang bị cho nhân viên các công cụ và kiến thức để quản lý căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần. 

  • Cung cấp nguồn lực hỗ trợ tâm lý cho nhân viên: Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, những chiến lược hỗ trợ nhân viên về mặt tinh thần có thể giúp họ giảm thiểu căng thẳng. Tổ chức có thể sử dụng các dịch vụ EAP để cung cấp sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết cho nhân viên.

  • Khuyến khích hành vi lành mạnh: Tổ chức hãy khuyến khích nhân viên thay đổi thói quen để xây dựng những hành vi lành mạnh. Ví dụ, tổ chức có thể đầu tư vào các buổi đào tạo nhân viên về thói quen quản lý stress, hoặc những chính sách khuyến khích nhân viên vận động thể chất thường xuyên.

  • Thiết lập hệ thống làm việc linh hoạt: Tổ chức có thể cân nhắc quản lý công việc thông qua hiệu suất, áp dụng thời gian làm việc linh hoạt, và đưa ra lựa chọn làm việc từ xa. Những chính sách này có thể hỗ trợ nhân viên cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc, giảm bớt căng thẳng, cũng như cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. 

  • Khuyến khích sự cân bằng công việc và cuộc sống: Doanh nghiệp hãy khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi, sử dụng ngày nghỉ phép của họ, và hạn chế làm việc quá giờ nếu không cần thiết. Điều này giúp nhân viên tự chăm sóc sức khỏe tinh thần và tăng cường hiệu suất.

  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đầy hỗ trợ: Tổ chức hãy xây dựng một văn hóa doanh nghiệp đầy hỗ trợ. Việc khuyến khích giao tiếp thấu cảm, phản hồi lành mạnh, và giải quyết các vấn đề một cách công bằng, kịp thời sẽ giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng, được hỗ trợ, và được lắng nghe.

  • Thực hiện các khảo sát định kỳ về sức khỏe tinh thần: Tổ chức có thể thực hiện các khảo sát định kỳ để hiểu rõ về sức khỏe tinh thần của đội ngũ. Tuy nhiên, tổ chức cần lưu ý sử dụng những khảo sát đáng tin cậy, với sự hỗ trợ thực hiện khảo sát và phân tích dữ liệu từ chuyên gia. Những dữ liệu khảo sát này sẽ giúp tổ chức đưa ra những chiến lược chăm sóc đội nhóm đúng trọng tâm và hiệu quả. 

Chương trình chăm sóc nhân viên kiến tạo đội ngũ hiệu suất
Chương trình chăm sóc nhân viên kiến tạo đội ngũ hiệu suất

Kết Luận

Việc ưu tiên các chương trình chăm sóc nhân viên không chỉ là một lựa chọn thấu cảm mà còn là một quyết định chiến lược. Một đội ngũ khỏe mạnh sẽ làm việc tích cực, sáng tạo, và năng suất, dẫn đến sự thịnh vượng của doanh nghiệp. 

Bằng cách áp dụng những nguyên tắc nêu trên, tổ chức có thể xây dựng một chương trình chăm sóc nhân viên giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, xây dựng văn hóa làm việc tích cực, gắn kết đội ngũ, và gia tăng hiệu suất.


Nguồn tham khảo:


0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kommentare


bottom of page