Quản lý cảm xúc là một kỹ năng thiết yếu của nhà lãnh đạo giúp duy trì sự bình tĩnh, sáng suốt trong quá trình ra quyết định và chăm sóc đội nhóm. Việc nâng cao kỹ năng quản lý cảm xúc không chỉ giúp nhà lãnh đạo nâng cao sức bền trước áp lực và thách thức, mà còn cải thiện khả năng thấu cảm, xây dựng đội ngũ gắn kết, từ đó thúc đẩy hiệu quả công việc.
Bài viết này nêu rõ tầm quan trọng của việc quản lý cảm xúc đối với nhà lãnh đạo, cũng như cung cấp biện pháp thiết thực giúp lãnh đạo quản lý cảm xúc để nâng cao khả năng chăm sóc đội nhóm.
Tầm Quan Trọng Của Việc Quản Lý Cảm Xúc
Quản lý cảm xúc (emotion regulation) là quá trình mà một người tự tác động đến cảm xúc của bản thân, bao gồm việc điều chỉnh mức độ cảm nhận và cách thể hiện những cảm xúc nhất định (McRae & Gross, 2020). Quá trình này có thể diễn ra một cách vô thức hoặc có ý thức, thông qua việc sử dụng nhiều biện pháp quản lý cảm xúc khác nhau.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nhà lãnh đạo thường xuyên phải tự quản lý cảm xúc, bởi tâm trạng của họ sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của toàn bộ đội ngũ (Humphrey, 2012). Ngoài ra, việc giải phóng cảm xúc một cách phù hợp giúp nhà quản lý ứng phó với những tình huống khó như xung đột đội ngũ hay khủng hoảng trong tổ chức (Torrence & Connelly, 2019).
Do đó, các biện pháp quản lý cảm xúc chẳng những giúp nhà lãnh đạo tự cải thiện sức khỏe tinh thần, mà còn là một kỹ năng quan trọng đóng góp vào hiệu suất chung của tổ chức.
Biện Pháp Quản Lý Cảm Xúc Thông Qua 4 Bước
Sau đây là 4 bước thiết thực giúp nhà lãnh đạo hướng đến sự ổn định về tinh thần khi gặp phải những cảm xúc mạnh mẽ trong công việc và cuộc sống.
Bước 1: Nhận Diện Cảm Xúc Khó
Bước đầu tiên trong việc quản lý cảm xúc đòi hỏi nhà lãnh đạo tự nhận diện cảm xúc của bản thân. Điều này có thể được thực hiện thông qua một số chiến lược như:
Chấp nhận cảm xúc: Trong quá trình quản lý cảm xúc, nhà lãnh đạo hãy tránh việc tự phán xét cảm xúc của chính mình. Hãy chấp nhận và để bản thân trải qua những cảm xúc khó mà không đè nén chúng.
Lắng nghe cơ thể: Cảm xúc thường được biểu hiện qua những dấu hiệu của cơ thể và tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Những biểu hiện như tim đập nhanh hoặc thở gấp có thể cho thấy cảm giác tức giận, trong khi việc đổ mồ hôi, khó thở có thể là dấu hiệu của cảm giác lo âu.
Chú ý đến suy nghĩ: Cảm xúc cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thông qua việc gia tăng những suy nghĩ tiêu cực. Nếu nhà lãnh đạo quan sát thấy bản thân đang có nhiều suy nghĩ tiêu cực, chúng có thể đang gắn liền với cảm xúc buồn bã hoặc lo lắng.
Quan sát hành vi: Nhà lãnh đạo cũng có thể quản lý cảm xúc bằng cách chú ý đến những thay đổi trong hành vi, như cáu gắt, im lặng bất thường, hoặc tự cô lập bản thân. Qua thời gian, những hành vi này có thể gia tăng stress trong lãnh đạo và nguy cơ burn-out.
Bước 2: Ứng Phó Với Cảm Xúc Khó
Sau khi nhận diện cảm xúc khó, nhà lãnh đạo có thể thực hiện một số biện pháp để quản lý những cảm xúc này như:
Tạm dừng hành động: Khi những cảm xúc tiêu cực như tức giận xuất hiện, nhà lãnh đạo có thể tạm hoãn việc đưa ra phản ứng. Điều này giúp bạn quản lý cơn tức giận và giảm nguy cơ thực hiện những hành động thiếu sáng suốt.
Thực hành tự kiểm soát: Nhà lãnh đạo hãy duy trì sự bình tĩnh bằng cách thực hiện các kỹ thuật như hít thở sâu hoặc thiền chánh niệm. Các kỹ thuật này giúp điều chỉnh cảm xúc ở mức độ phù hợp.
Viết nhật ký: Hãy ghi chép cảm xúc vào một quyển nhật ký. Điều này giúp nhà lãnh đạo diễn đạt cảm xúc một cách rõ ràng, đồng thời quản lý căng thẳng và giải phóng những cảm xúc tiêu cực.
Thay đổi góc nhìn: Hãy nhận diện những suy nghĩ tiêu cực và cố gắng thay đổi góc nhìn của bản thân. Điều này giúp nhà lãnh đạo giữ được sự cân bằng trong các tình huống căng thẳng và trở nên lạc quan hơn.
Bước 3: Xây Dựng Mạng Lưới Hỗ Trợ
Các nguồn lực hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý cảm xúc. Để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong đội ngũ, nhà lãnh đạo có thể thực hiện những cách sau:
Chia sẻ cảm xúc một cách chân thành: Nhà lãnh đạo hãy cởi mở bày tỏ cảm xúc với đội ngũ. Điều này giúp giảm thiểu cảm giác cô đơn, cải thiện sức khỏe tinh thần, cũng như tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau trong đội ngũ.
Tránh việc đổ lỗi: Nhà lãnh đạo hãy thúc đẩy văn hóa giải phóng cảm xúc mà không cần đổ lỗi cho người khác. Ví dụ, mỗi cá nhân có thể nói “Tôi cảm thấy tức giận”, thay vì “Bạn làm tôi nổi điên”.
Xây dựng không gian an toàn về tâm lý: Nhà lãnh đạo hãy xây dựng văn hóa doanh nghiệp cởi mở, thấu cảm, và an toàn về tâm lý, nơi mỗi nhân viên cảm thấy thoải mái để chia sẻ cảm xúc cá nhân, cũng như hỗ trợ cảm xúc cho đồng nghiệp trong những giai đoạn khó khăn.
Bước 4: Chăm Sóc Bản Thân
Nền tảng của một tinh thần khỏe mạnh với những cảm xúc lành mạnh là một cơ thể dẻo dai. Do đó, nhà lãnh đạo hãy thường xuyên thực hiện những biện pháp tự chăm sóc bản thân như:
Ăn uống lành mạnh: Hãy ăn uống một cách lành mạnh và tránh việc bỏ bữa. Hãy bổ sung trái cây, rau xanh, đồng thời hạn chế các thực phẩm không lành mạnh như nước ngọt, thức ăn nhanh.
Ngủ đủ giấc: Hãy ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, tránh dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ, cũng như đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đây cũng là một cách để nhà lãnh đạo tự chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Tích cực vận động: Hãy xây dựng một thói quen vận động với các hoạt động thể chất đều đặn. Điều này giúp lãnh đạo cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Hãy bắt đầu với những buổi tập ngắn từ 10 đến 20 phút mỗi ngày, và tăng dần cường độ tập luyện.
Giới hạn việc sử dụng chất: Hãy giảm thiểu những thói quen không lành mạnh như sử dụng bia rượu hoặc thuốc lá để quản lý căng thẳng. Điều này giúp nhà quản lý tránh khói những tác hại lâu dài về sức khỏe mà những thói quen này mang lại.
Kết Luận
Quản lý cảm xúc là một kỹ năng không thể thiếu đối với nhà lãnh đạo, góp phần quyết định hiệu quả lãnh đạo và sự phát triển của đội ngũ. Bằng cách áp dụng những biện pháp quản lý cảm xúc, các nhà lãnh đạo sẽ không chỉ cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao hiệu suất làm việc cá nhân, mà còn góp phần xây dựng một tổ chức vững mạnh và gắn kết hơn trong tương lai.
Để biết thêm những chiến lược hiệu quả giúp nhà lãnh đạo nâng cao năng lực quản lý cảm xúc và chăm sóc đội ngũ, vui lòng tham khảo khóa đào tạo độc quyền Para-helper Manager: Leading with Heart tại CareFor EAP.
Nguồn tham khảo:
Humphrey, R. H. (2012). How do leaders use emotional labor? J. Organ. Behav. 33, 740–744. doi: 10.1002/job.1791
McRae, K., & Gross, J. J. (2020). Emotion regulation. Emotion, 20(1), 1–9. https://doi.org/10.1037/emo0000703
Positive Psychology. (2019). Emotional Regulation: 6 Key Skills to Regulate Emotions. https://positivepsychology.com/emotion-regulation/
Torrence, B. S., & Connelly, S. (2019). Emotion Regulation Tendencies and Leadership Performance: An Examination of Cognitive and Behavioral Regulation Strategies. Frontiers in Psychology, 10, 421745. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2019.01486
U.S Centers for Disease Control and Prevention (CDC). (n.d). Improve Your Emotional Well-Being. https://www.cdc.gov/emotional-well-being/improve-your-emotional-well-being/index.html
Comments