Với các tiêu chuẩn mới, sức khỏe con người được định nghĩa theo hệ quy chiếu sức khỏe toàn diện, với ba yếu tố: Tâm lý, sinh lý và xã hội. Chính vì vậy, việc chăm sóc đầy đủ và cân bằng giữa 3 yếu tốt này là một trong những nhiệm vu quan trọng giúp một cá nhân đạt được trạng thái của sức khỏe toàn diện.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe tinh thần là một trạng thái khỏe mạnh mà trong đó, mỗi cá nhân nhận biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với sự căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và có sự đóng góp cho cộng đồng”.
Vậy thì, đâu là biểu hiện của một người có tinh thần khỏe mạnh? Chính là:
Tự tin khi đối đầu với những thách thức, thay đổi trong cuộc sống và công việc.
Nhìn thấy khía cạnh tích cực trong mọi vấn đề.
Không đổ lỗi cho bản thân.
Có thể thiết lập và đạt mục tiêu đề ra.
Có thể theo chế độ lành mạnh cho bản thân ví dụ như chế độ ăn và ngủ khoa học.
Có thể cảm nhận và tận hưởng cuộc sống dù cho những thách thức bạn đang đối mặt.
Ngoài ra, để tự đánh giá sức khỏe tinh thần của bản thân, chúng ta có thể tham khảo thang đo WEMWBS - Warwick-Edinburgh Mental Well-being Scale để tự đánh giá về sức khỏe tinh thần của mình theo 05 tiêu chí đánh giá:
Khả năng giải quyết vấn đề.
Cảm nhận về bản thân.
Cảm xúc tích cực.
Chất lượng các mối quan hệ.
Cảm nhận về cuộc sống.
Sau khi đã có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình sức khỏe tinh thần hiện tại của mình, hãy cùng điểm qua một số cách thức giúp bạn nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân.
Về phía bản thân
Phát triển sức bật tâm lý (khả năng phục hồi) của bản thân.
Một phần quan trọng của việc có tinh thần khỏe mạnh là xây dựng khả năng phục hồi. Đây là lúc bạn có thể đương đầu với những thay đổi và thử thách bất ngờ trong cuộc sống bằng cách sử dụng nội lực và mạng lưới xung quanh.
Sức bật tâm lý chính là khả năng vươn lên, phát triển của một cá nhân cho dù đối diện với nghịch cảnh. Sức bật tâm lý đề cập đến sự thích nghi tích cực khi đối mặt với căng thẳng hoặc sang chấn, nhằm duy trì các chức năng sống ổn định sau khi trải qua căng thẳng (Luthar, Cicchetti, & Becker, 2000).
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng có mối quan hệ giữa sức khỏe tinh thần và sự an lạc trong tinh thần. Để nâng cao sức bật tâm lý, chúng ta có thể tham khảo các phương thức sau đây:
Tìm kiếm mục đích sống.
Tin tưởng vào khả năng của mình.
Phát triển mạng lưới xã hội bền chặt.
Chấp nhận và sẵn sàng cho sự thay đổi như điều tất yếu của cuộc sống.
Nhận biết cảm xúc và suy nghĩ, hành động tích cực.
Chăm sóc bản thân bằng việc lắng nghe chính mình và giúp cơ thể và tinh thần của mình khỏe mạnh.
Tập trung vào giải pháp.
Bắt tay hành động và kỷ luật với kế hoạch đề ra.
Phát triển điểm mạnh của bản thân.
Thực hiện một số hoạt động hằng ngày cho tinh thần khỏe mạnh
Hằng ngày, bạn có thể thiết lập kế hoạch cho bản thân mình các công việc sau:
Hoạt động ý nghĩa cho bản thân: bất kỳ hành động nào bạn thích và mang đến cho bạn cảm giác đạt được kết quả. Hành động này có thể là: nghe bản nhạc bạn yêu thích hay xem tập phim bạn thích.
Suy nghĩ lành mạnh: một trong những hành động của suy nghĩ lành mạnh là giữ lập trường và nói điều tử tế với chính mình.
Xác định mục tiêu và lập kế hoạch: có mục tiêu giúp bạn tràn đầy năng lượng và tiến lên phía trước.
Xây dựng thói quen lành mạnh: duy trì thói quen lành mạnh đơn giản như việc thức dậy và ngủ đúng giờ.
Kết nối xã hội: duy trì kết nối gia đình và bạn bè giúp bạn cảm thấy được thừa nhận và thuộc về.
Về phía doanh nghiệp
Bên cạnh đó, từ góc nhìn doanh nghiệp, đảm bảo nhân viên trong doanh nghiệp có tinh thần khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong sự thành công bền vững của doanh nghiệp. Dưới đây là 6 cách để doanh nghiệp hỗ trợ nhân viên xây dựng tinh thần khỏe mạnh trong công việc như sau:
Cung cấp chương trình hỗ trợ tâm lý cho nhân viên
Các chương trình hỗ trợ nhân viên, hay EAP, là các chương trình phúc lợi cho nhân viên được thiết kế để giúp nhân viên giải quyết các vấn đề có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Mục đích là giải quyết các vấn đề cá nhân trước khi chúng ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Đồng thời, doanh nghiệp xây dựng chương trình huấn luyện (coaching) cho nhân viên.
Cung cấp chương trình đào tạo về sức khỏe tinh thần cho nhân viên
Thực hiện các chương trình đào tạo về kiến thức sức khỏe tinh thần và kỹ năng vượt qua những vấn đề liên quan đến tâm lý. Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo giúp quản lý có các kiến thức tâm lý như dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và tình trạng sức khỏe tinh thần khác.
Huấn luyện người quản lý kỹ thuật xử lý vấn đề khi nhận thấy những biểu hiện bất ổn về tinh thần của nhân viên.
Đào tạo các nhà quản lý để nhận diện và hỗ trợ những nhân viên có dấu hiệu tinh thần bất ổn như trầm cảm, lo lắng, kiệt sức. Đào tạo các nhà quản lý kỹ thuật lắng nghe không phán xét và đưa ra các bước tiếp theo để hỗ trợ tinh thần khỏe mạnh cho nhân viên.
Tạo môi trường cởi mở trong các cuộc trò chuyện liên quan đến hạnh phúc và sức khỏe tinh thần.
Việc trao đổi cởi mở liên quan đến cảm xúc hiện tại bằng các câu ngắn như “ tôi cảm thấy … khó khăn, choáng ngợp” giúp tăng sự đồng cảm, hỗ trợ và thân thiết trong nơi làm việc.
Truyền thông “ sức khỏe tinh thần” như một phần của văn hóa công ty.
Tôn vinh thói quen tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, khuyến khích các hoạt động nâng cao thể chất tinh thần trong công ty. Hãy đảm bảo là nhân viên hiểu công ty đề cao sức khỏe tinh thần của nhân viên và hiệu suất công việc: nhân viên không hy sinh sức khỏe tinh thần của mình để đạt được hiệu suất công việc.
Kết luận
Việc trau dồi nhận thức về cách chúng ta suy nghĩ, hành xử và cảm nhận về tinh thần khỏe mạnh mang lại cho chúng ta nhiều lợi thế hơn trong công việc. Việc doanh nghiệp quan tâm đến tinh thần khỏe mạnh của nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng gắn kết và thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên, mang đến nền tảng để sống tràn đầy năng lượng và trọn vẹn hơn.
Nguyễn Thảo
Nguồn tham khảo:
Comments