Trí thông minh cảm xúc (EQ) thể hiện cách quản lý cảm xúc của một cá nhân, thông qua việc áp dụng những chiến lược nhất định để ứng phó với cảm xúc của bản thân và người khác. Trong môi trường công sở, kỹ năng quản lý cảm xúc chẳng những giúp cá nhân tự cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm thiểu nguy cơ burn-out, mà còn nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh và góp phần xây dựng đội ngũ gắn kết.
Bài viết này chia sẻ 4 kỹ năng EQ giúp bạn cải thiện cách quản lý cảm xúc, từ đó duy trì một tinh thần khỏe mạnh trước những thử thách thường gặp, cũng như củng cố những mối quan hệ lành mạnh nơi công sở.
Vai Trò Của EQ Trong Cách Quản Lý Cảm Xúc
Trí thông mình cảm xúc (EQ) quyết định cách một người quản lý cảm xúc ở bản thân và ứng phó với cảm xúc của những người xung quanh (Resurrección et al., 2014). Theo các nhà nghiên cứu, EQ bao gồm 4 kỹ năng chính như sau (Olderbak et al., 2019):
Nhận biết cảm xúc: Kỹ năng EQ này bao gồm việc nhận diện chính xác cảm xúc của bản thân cũng như của những người xung quanh. Đây là một yếu tố cốt lõi trong cách quản lý cảm xúc ở bản thân và người khác.
Sử dụng cảm xúc để hỗ trợ suy nghĩ: Kỹ năng này thể hiện khả năng sử dụng cảm xúc để hỗ trợ quá trình suy nghĩ. Ví dụ, khi một nhân viên cảm thấy lo lắng, họ có thể vận dụng cảm xúc này để kích thích quá trình suy nghĩ và tập trung giải quyết vấn đề.
Hiểu về cảm xúc: Kỹ năng này giúp mỗi người nhận diện tình huống dẫn đến những cảm xúc nhất định, cũng như phân biệt cách quản lý cảm xúc trong những bối cảnh khác nhau. Ví dụ, nhân viên có khả năng nhận diện rằng cảm xúc tức giận của đồng nghiệp có thể xuất phát từ áp lực công việc, mà không phải là tính cách cá nhân.
Quản lý cảm xúc: Đây là kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân và người khác để đánh giá các biện pháp quản lý cảm xúc và lựa chọn thể hiện các cảm xúc ở mức độ phù hợp khi cần.
Trong môi trường công sở, những kỹ năng này giúp nhân viên và lãnh đạo hiểu và điều chỉnh cảm xúc của bản thân cũng như của người khác, từ đó cải thiện giao tiếp, quản lý căng thẳng, giải quyết xung đột, và tăng cường sự hợp tác trong đội nhóm. Điều này giúp tổ chức xây dựng văn hóa doanh nghiệp đầy hỗ trợ và an toàn về tâm lý.
Cách Quản Lý Cảm Xúc Dựa Trên 4 Kỹ Năng EQ
Nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi người có thể tự cải thiện cách quản lý cảm xúc, dựa trên việc rèn luyện 4 kỹ năng EQ sau (Gilar-Corbi et al., 2019):
Cách 1: Nhận Biết Cảm Xúc
Kỹ năng nhận biết cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý cảm xúc. Sau đây là một số phương pháp giúp bạn cải thiện kỹ năng này:
Tự quan sát cảm xúc: Hãy chú ý đến những phản ứng cơ thể, suy nghĩ, hành vi để nhận diện những cảm xúc cá nhân. Ví dụ, bạn có thể nhận diện cảm xúc lo âu thông qua việc quan sát các dấu hiệu như thở gấp, đồ mồ hôi, căng cơ, từ đó quản lý căng thẳng hiệu quả hơn.
Ghi chú cảm xúc mỗi ngày: Hãy thực hành thói quen ghi chú cảm xúc của bản thân hằng ngày vào một cuốn nhật ký hoặc một ứng dụng ghi chú nào đó. Điều này giúp bạn dễ dàng nhận diện và quản trị cảm xúc, đồng thời cải thiện động lực làm việc.
Tìm kiếm phản hồi từ đồng nghiệp: Bên cạnh việc tự quan sát bản thân, bạn có thể tìm kiếm phản hồi từ đồng nghiệp về cách bạn thể hiện cảm xúc trong những tình huống nhất định. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách quản lý cảm xúc của bản thân.
Cách 2: Sử Dụng Cảm Xúc Để Hỗ Trợ Suy Nghĩ
Kỹ năng này giúp bạn vận dụng vai trò của cảm xúc để thúc đẩy những suy nghĩ tích cực, góp phần gia tăng động lực và cải thiện sức khỏe tinh thần. Sau đây là một số phương pháp giúp bạn rèn luyện khả năng này:
Sử dụng cảm xúc phù hợp để đưa ra quyết định: Hãy sử dụng những cảm xúc phù hợp để đưa ra quyết định. Bạn hãy tránh đưa ra những quyết định quan trọng khi đang giận dữ, lo âu, hoặc quá hào hứng. Đối với nhà lãnh đạo, điều này giúp bạn nâng cao kỹ năng quản lý và chăm sóc đội nhóm.
Xác định cảm xúc khi giải quyết vấn đề: Khi đối mặt với một tình huống khó khăn, hãy tự nhận diện cảm xúc bản thân trước khi suy nghĩ đến hướng giải quyết vấn đề. Điều này giúp bạn hiểu rõ vấn đề để đưa ra giải pháp phù hợp. Đây là một kỹ năng quan trọng để nâng cao tư duy lãnh đạo.
Sử dụng cảm xúc để gia tăng động lực: Khi bạn cảm thấy tập trung hoặc hưng phấn, hãy tận dụng những cảm xúc này để làm việc hiệu quả hơn. Điều này giúp bạn nâng cao hiệu suất và gia tăng động lực làm việc.
Cách 3: Hiểu Về Cảm Xúc
Kỹ năng hiểu về cảm xúc giúp bạn nhận thức về những tác động của môi trường đối với cảm xúc, từ đó dễ dàng quản trị cảm xúc và ứng phó hiệu quả hơn với các tình huống cảm xúc nơi công sở. Sau đây là một số chiến lược giúp bạn rèn luyện kỹ năng này:
Tìm kiếm mối liên hệ giữa cảm xúc và hành vi: Hãy tìm hiểu cảm xúc ẩn sau hành vi của bản thân và đồng nghiệp. Ví dụ, nếu đồng nghiệp có hành vi gây hấn, hãy quan sát cảm xúc của họ khi thực hiện những hành vi này. Điều này giúp bạn bình tĩnh, trì hoãn việc phán xét, và nâng cao sự thấu cảm trong những tình huống cảm xúc khó.
Nhận diện tình huống kích thích cảm xúc: Hãy xác định các tình huống trong công việc có thể kích thích các cảm xúc cụ thể như căng thẳng, buồn bã, tức giận, hoặc hưng phấn để chuẩn bị chiến lược phản ứng phù hợp.
Khám phá cách quản lý cảm xúc của đồng nghiệp: Hãy quan sát và thấu hiểu các biểu hiện cảm xúc của đồng nghiệp. Điều này giúp bạn cải thiện giao tiếp, thông qua việc nhanh chóng nhận diện cảm xúc của đối phương và đưa ra phản ứng phù hợp.
Cách 4: Quản Lý Cảm Xúc
Kỹ năng quản lý cảm xúc giúp bạn điều chỉnh cảm xúc để đạt được kết quả mong muốn trong công việc. Điều này không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn giúp củng cố những mối quan hệ tích cực nơi công sở. Sau đây là một số phương pháp giúp bạn cải thiện kỹ năng này:
Sử dụng các kỹ thuật thư giãn: Hãy sử dụng các kỹ thuật như hít thở sâu, thiền hoặc yoga để quản trị cảm xúc, quản lý căng thẳng và duy trì bình tĩnh trong những tình huống cảm xúc. Ngoài ra, việc thực hành những kỹ thuật này thường xuyên cũng giúp bạn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Chấp nhận cảm xúc: Thay vì né tránh hoặc đè nén những cảm xúc tiêu cực, hãy chấp nhận và xử lý chúng một cách phù hợp. Điều này giúp bạn tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, đồng thời tránh để những cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến công việc.
Xây dựng không gian an toàn về tâm lý: Hãy tham gia kiến tạo không gian an toàn về tâm lý trong môi trường công sở, nơi mỗi người được khuyến khích chia sẻ cảm xúc một cách cởi mở và tôn trọng. Điều này giúp xây dựng một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong việc quản lý cảm xúc trước các tình huống căng thẳng.
Kết Luận
Bằng việc áp dụng các cách quản lý cảm xúc hiệu quả dựa trên mô hình EQ, bạn sẽ duy trì một tinh thần khỏe mạnh, cải thiện mối quan hệ đồng nghiệp, và gia tăng động lực làm việc. Đối với tổ chức, việc đầu tư vào các chương trình hỗ trợ nhân viên phát triển các kỹ năng quản lý cảm xúc sẽ không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng stress trong nhân viên, mà còn góp phần xây dựng đội ngũ gắn kết và môi trường làm việc lành mạnh, giúp thúc đẩy hiệu suất.
Nguồn tham khảo:
Olderbak, S., Semmler, M., & Doebler, P. (2019). Four-Branch Model of Ability Emotional Intelligence with Fluid and Crystallized Intelligence: A Meta-Analysis of Relations. Emotion Review, 11(2), 166–183. https://doi.org/10.1177/1754073918776776
Resurrección, D. M., Salguero, J. M., & Ruiz-Aranda, D. (2014). Emotional intelligence and psychological maladjustment in adolescence: A systematic review. Journal of Adolescence, 37(4), 461–472. https://doi.org/10.1016/j.adolescence.2014.03.012
Gilar-Corbi, R., Pozo-Rico, T., Sánchez, B., & Castejón, J. L. (2019). Can emotional intelligence be improved? A randomized experimental study of a business-oriented EI training program for senior managers. PloS one, 14(10), e0224254. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0224254
コメント